Với Nhật Bản, quá trình thảo luận sẽ tập trung vào việc Tokyo vẫn theo đuổi, ủng hộ sử dụng than đá, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất. Nhật Bản là nước duy nhất trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than khi nước này đối diện với căng thẳng về năng lượng sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima, dẫn đến việc phải ngưng gần như toàn bộ các lò phản ứng khác.
Tại Thiên Tân, ông Kerry sẽ tìm cách củng cố các cam kết từ Bắc Kinh mà ông có được trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 4 vừa qua, nổi bật là việc hai bên đồng ý hợp tác chống biến đổi khí hậu với tinh thần khẩn thiết. Trung Quốc cũng đưa đưa ra “tham vọng mới” về chống biến đổi khí hậu và dự định sẽ cho công bố nhiều biện pháp mới vào cuối năm nay.
Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có những đảo nghịch chính sách so với người tiền nhiệm Donald Trump về môi trường. Ông Biden đã đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và cuối tháng 4 vừa qua đã đứng ra chủ trì một hội nghị trực tuyến về khí hậu với các nhà lãnh đạo thế giới.
Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc công bố trong tháng 8 đã cảnh báo thế giới đang trên đà tăng 1,5 độ C vào năm 2030, tức là sớm hơn một thập kỉ so với dự báo cách đây chỉ 3 năm. Hiện Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản lần lượt là những quốc gia phát thải khí carbon nhiều thứ nhất, thứ 2 và thứ 5 thế giới.