Dự kiến ông Hochstein sẽ gặp các nhà lãnh đạo của Liban tại Beirut, sau đó sẽ đến thành phố Naqoura của nước này để cùng đại diện của Liên hợp quốc (LHQ) chứng kiến lễ ký thỏa thuận trên giữa các quan chức của Liban và Israel vào ngày 27/10.
Thỏa thuận về ranh giới trên biển giữa Liban và Israel đánh dấu một bước đột phá trong quan hệ giữa hai quốc gia vốn đang có những xung đột. Liban và Israel không có quan hệ ngoại giao, hoạt động tuần tra khu vực biên giới giữa hai bên hiện do lực lượng của LHQ đảm nhiệm. Biên giới trên biển phía Bắc mà Israel tuyên bố chồng lấn biên giới phía Nam của Liban, gây ra tranh chấp giữa hai nước. Năm 2020, Israel và Liban đã nối lại tiến trình đàm phán với vai trò trung gian của Mỹ và LHQ, song các cuộc đàm phán gặp bế tắc do liên quan đến vùng biển giàu tài nguyên nằm trong khu vực tranh chấp, trong đó có mỏ khí đốt Karish mà Israel khẳng định quyền khai thác.
Theo giới quan sát, thỏa thuận nêu trên báo hiệu một sự thay đổi mô hình đối với Liban, quốc gia trên thực tế đã công nhận sự tồn tại của Israel với tư cách là một nước có chủ quyền. Tuy nhiên, thỏa thuận này không báo hiệu một bước đột phá lớn hơn trong quan hệ giữa hai nước tương tự như Hiệp định Abraham về bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Hồi giáo/Vùng Vịnh được ký hồi tháng 9/2020.