Đây là tập tục có từ thời xa xưa, xuất phát từ truyền thuyết về cuộc đấu trí giữa Thammabane Cuman là con phú ông, rất nhanh trí và có biệt tài hiểu được tiếng chim và Kabinlaphom, thần 4 mặt của bầu trời được coi là người thông thái nhất. Khi hay tin dưới trần gian có Thammabane Cuman là người rất hiểu biết, Kabinlaphom muốn thi tài với Thammabane Cuman. Ông ta đưa ra 3 câu hỏi để Thammabane trả lời, nếu Thammabane Cuman trả lời được thì Kabinlaphom sẽ phải dâng đầu mình và ngược lại. Kết quả, Thammabane Cuman đã trả lời được cả 3 câu hỏi và Kabinlaphom phải chặt đầu mình. Tuy nhiên, trước khi chặt đầu, Kabinlaphom dặn 7 cô con gái phải giữ gìn cái đầu cẩn thận, vì nếu đầu ông ta rơi xuống đất sẽ xảy ra hạn hán và hỏa hoạn, rơi xuống biển nước biển sẽ khô cạn, tung lên trời sẽ gây bão tố. Ông căn dặn các con để đầu mình trong hang núi ở một nơi xa xôi, mỗi năm cứ vào ngày đầu năm mới, các cô con gái phải đầu ông ra rửa sạch sẽ rồi lại mang cất đi như cũ thì hạ giới sẽ có mưa. Từ đó, nhân dân Lào mỗi năm lại làm Bunpimay vào đúng ngày 15/5, là ngày mà 7 cô con gái của thần Kabinlaphom mang đầu cha ra rửa.
Ngày nay, trước dịp Bunpimay, người ta sẽ tổ chức thi hoa hậu để chọn 7 cô gái đẹp người, đẹp nết trước khi tiếp tục chọn ra 1 người nổi trội nhất để làm Nang Sangkhane. Lễ rước hoàng tráng diễn ra vào đúng dịp Tết Lào. Vào ngày này, các cô gái được chọn sẽ được đưa lên một chiếc xe trang hoàng lộng lẫy, diễu hành qua các đường phố chính. Trên chiếc xe này, Nang Sangkhane sẽ ngồi ở giữa, trên lưng một linh tượng đại diện cho con giáp của năm mới Lào. Năm nay là năm con trâu, nên Nang Sangkhane ngồi trên linh tượng con trâu. Sáu người đẹp còn lại ngồi dọc 2 bên dưới chân linh tượng, mỗi bên 3 người.
Trong đoàn diễu hành, người ta mang mặt nạ Pu Nhơ và Nha Nhơ, theo truyền thuyết là người đàn ông và đàn bà đầu tiên sinh ra dân tộc Lào; đại diện cho giới tăng lữ, cho chính quyền các cấp và đặc biệt để khuyến khích các huyện thi đua phát triển kinh tế, chính quyền tỉnh Luang Prabang còn cho các huyện trong tỉnh tổ chức các đoàn rước để trưng bày và giới thiệu các sản phẩm chủ chốt của huyện. Trong đoàn rước dài hàng km, dòng người vừa nối tiếp nhau đi, vừa múa hát, reo hò, trong tiếng trống vang lừng. Người bên đường tươi cười té nước mát cho các đoàn và té nước cho nhau, chúc nhau những lời đẹp nhất của năm mới…
Năm nay, sau nhiều 3 năm gián đoạn, bất chấp thời tiết nóng như thiêu như đốt trong đỉnh điểm mùa khô của Lào, từ giữa trưa 15/4, hàng chục vạn người dân từ nhiều tỉnh thành và đông đảo du khách thập phương đã đổ về và đứng chật kín các tuyến phố nơi đoàn rước Nang Sangkhane sẽ đi qua, để vừa quay phim, chụp ảnh, vừa hắt té nước.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, ông Hungpheng Vilasay, Phó Chủ tịch huyện Pakou, tỉnh Luang Prabang, cho biết mấy năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID, chính quyền tỉnh không tổ chức rước Nang Sangkhane và khách du lịch cũng không có. Chính vì vậy, bản thân ông và người dân vô cùng vui mừng khi chính quyền lại tổ chức rước Nàng Chúa xuân, trong bối cảnh du khách đang quay trở lại khá đông.
Đến từ Australia trong chuyến hành trình thăm nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, anh Michael Murphy tỏ ra vô cùng hào hứng khi tham gia và chứng kiến lễ rước. Theo anh Michael, đây là lễ hội tôn giáo hấp dẫn và hết sức đặc sắc.
Ban tổ chức mong muốn thông qua cuộc thi Nàng Chúa Xuân và duy trì các đám rước Nang Sangkhane như thế này, các cô gái Lào sẽ có điều kiện học hỏi thêm kiến thức về văn hóa, các điệu múa truyền thống của dân tộc và góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc Lào. Sự kiện cũng được kỳ vọng giúp tăng lượng du khách đến thăm đất nước Triệu voi trong dịp lễ Hội té nước, đóng góp thêm cho sự phát triển của ngành du lịch, một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Lào vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch trong thời gian qua.