Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine công bố tài liệu chống lại Tổng thống Trump

Ngày 22/10, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine đã "đổ thêm dầu vào lửa" trong cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump với những báo cáo chi tiết về cách ông Trump đã thúc ép chính quyền Kiev làm mất uy tín cựu Phó Tổng thống Joe Biden, cũng như rút viện trợ quân sự đối với Ukraine để gây áp lực.

Chú thích ảnh
Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine Bill Taylor (giữa) tới dự phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại, tình báo và giám sát Hạ viện Mỹ ở Washington, DC, ngày 22/10/2019. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong báo cáo mở đầu dài 15 trang, ông Bill Taylor - Đại biện lâm thời Mỹ tại Ukraine, đồng thời là người từng giữ chức Đại sứ Mỹ tại Ukraine từ năm 2006 đến năm 2009, đã thuật lại chi tiết về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải chịu áp lực kéo dài ra sao sau khi nhậm chức.

Theo ông Taylor, Tổng thống Trump đã yêu cầu người đồng cấp Zelensky "tuyên bố công khai" rằng Kiev sẽ điều tra ông Joe Biden và con trai ông này là Hunter Biden về tội tham nhũng ở Ukraine.

Ông Taylor cho biết Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland đã tiết lộ với ông rằng "mọi thứ đều được đặt điều kiện với một thông báo như vậy, bao gồm cả việc hỗ trợ an ninh". Ngoài ra, theo ông Taylor, còn có một "củ cà rốt" khác được đưa ra, đó là cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Zelensky và ông Trump.

Đảng Dân chủ nhấn mạnh rằng lời khai trước Quốc hội của ông Bill Taylor là một sự xác nhận mạnh mẽ đối với những cáo buộc của đảng này rằng Tổng thống Trump đã lạm dụng quyền lực của mình để tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước ngoài nhằm gây tổn hại tới ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Hiện đảng Cộng hòa chưa đưa ra phản ứng về những tình tiết mà ông Bill Taylor vừa công bố, song Nhà Trắng đã bác bỏ cái mà họ gọi là "chiến dịch bôi nhọ phối hợp".

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: "Những thông tin hôm nay chỉ như những tin đồn được phóng đại lên gấp ba lần và rò rỉ một cách có chọn lọc theo động cơ chính trị của đảng Dân chủ, từ sau những cánh cửa đóng kín và những phiên điều trần bí mật. Mỗi ngày điều vô nghĩa này tiếp tục diễn ra, lãng phí thời gian và tiền bạc của những người phải nộp thuế".

Chính trường Mỹ đã “dậy sóng” khi Hạ viện Mỹ thông báo tiến hành cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump liên quan đến cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky. Cuộc điện đàm gây tranh cãi trên được thực hiện sau khi ông Trump quyết định "đóng băng" gần 400 triệu USD tiền viện trợ cho Ukraine.

Phe Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng tiền đóng thuế làm đòn bẩy nhằm đạt mục đích chính trị cá nhân, và lợi dụng sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc bầu cử Mỹ. Sau khi nội dung điện đàm bị tiết lộ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã xúc tiến một tiến trình luận tội Tổng thống.

Về phần mình, Tổng thống Trump đã bác bỏ mọi cáo buộc, và chỉ trích mạnh mẽ cuộc điều tra của Quốc hội. "Ông chủ Nhà Trắng" kêu gọi sự ủng hộ của người dân, cảnh báo Mỹ "đang bị đe dọa hơn bao giờ hết" sau khi ông trở thành mục tiêu trong cuộc điều tra luận tội với cáo buộc lạm quyền. Ông cũng lặp lại cáo buộc rằng cuộc điều tra luận tội là "cuộc săn phù thủy" -  ám chỉ hành động cố tình quy chụp các tội danh để hạ uy tín của ông.

Thanh Phương (TTXVN)
Lầu Năm Góc không chia sẻ các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump
Lầu Năm Góc không chia sẻ các tài liệu liên quan đến cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump

Lầu Năm Góc ngày 15/10 khẳng định không thể chia sẻ các tài liệu cho ủy ban Hạ viện Mỹ đang theo đuổi một cuộc điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump do “những mối lo ngại pháp lý và thực tế”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN