Confcommercio ước tính chỉ riêng dịp nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, trong số 25 triệu lượt khách đã lên lịch trình, có tới 5 triệu lượt đã hủy và 5,3 triệu lượt khách giảm số ngày nghỉ và thay đổi điểm đến và 7 triệu lượt vẫn đang tạm chờ. Ngoài ra, việc hủy bỏ các dịch vụ ăn uống gia tăng theo cấp số nhân, và lĩnh vực giải trí cũng đối mặt với nhiều rủi ro do hệ lụy đóng cửa.
Trước thực trạng thảm hại của ngành du lịch, Confcommercio kêu gọi Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp chuỗi cung ứng du lịch thông qua các biện pháp đảm bảo mạng lưới an toàn xã hội, không tăng chi phí cho các doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, cải thiện thuế doanh nghiệp, cùng các biện pháp can thiệp hỗ trợ. Chủ tịch Confcommercio Carlo Sangalli khẳng định: “Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang ngày càng tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng du lịch, hàng nghìn doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa, đặc biệt là hệ thống khách sạn, công ty lữ hành và các đại lý du lịch”. Theo ông Sangalli, các nguồn lực mà chính phủ đã triển khai là không đủ, và cần hỗ trợ nhiều hơn nữa, cần mở rộng quỹ dự phòng và các chính sách thuế thỏa đáng cho các doanh nghiệp.
Số liệu thống kê Confcommercio đưa ra dựa trên cuộc khảo sát được phối hợp với Cơ quan thống kê Italy (ISTAT), Ngân hàng Italy (Bankitalia) và Hãng thăm dò dư luận, nghiên cứu thị trường SWG. Confcommercio dự báo, ngành du lịch Italy có khả năng phục hồi vào mùa Hè năm 2022.