Diễn đàn CVF bao gồm 48 quốc gia thành viên dễ tổn thương trước các tác động của tình trạng ấm lên toàn cầu, cùng hướng tới mục tiêu chung là tăng cường các nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Cụ thể, năm ngoái, đã có 73 quốc gia cập nhật và trình kế hoạch khí hậu mới lên Liên hợp quốc (LHQ) nhằm đáp ứng hạn chót trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Con số này tương đương khoảng 45% trong số 160 quốc gia từng tuyên bố sẽ trình kế hoạch lên LHQ. Trong số các kế hoạch được cập nhật, có 69 nước đưa ra các cam kết khí hậu tham vọng hơn, hay đẩy mạnh các nỗ lực cắt giảm khí thải, nhằm ứng phó với tình trạng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Trong số này phải kể đến Anh, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhiều chính phủ Mỹ Latinh và một số quốc đảo nhỏ, một vài nước châu Phi và Đông Nam Á.
Đáng chú ý, dù đã nộp kế hoạch sửa đổi, song Brazil, Nhật Bản và New Zealand lại thiếu đi các cam kết tham vọng hơn. Ngoài ra, 57 nước nộp mục tiêu mạnh mẽ hơn về giảm khí thải chỉ gây ra có 13% lượng khí thải toàn cầu. Trong khi đó, 66 nước cam kết có biện pháp ứng phó với tình trạng ấm lên toàn cầu lại có dân số tương đương 20% trong tổng số 7,8 tỷ người trên toàn cầu.
Chủ tịch nhóm chuyên gia tham vấn CVF, học giả người Bangladesh Saleemul Huq nhận định số lượng kế hoạch nộp lên trong năm 2020 không như kỳ vọng cho thấy các nước không đáp ứng được mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tăng cường kế hoạch quốc gia 5 năm một lần. Do đó, chuyên gia này hối thúc các chính phủ thể hiện tham vọng khí hậu rõ ràng hơn trong năm 2021, qua đó đem lại lợi ích cho các cộng đồng trong bối cảnh các nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 tác động đến toàn cầu, có 190 nước đã nộp kế hoạch hành động khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định Paris. Theo lộ trình đề ra, các kế hoạch này sẽ được cập nhật vào năm 2020 để đảm bảo đáp ứng các mục tiêu trong thỏa thuận bao gồm duy trì mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, thậm chí là 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Theo LHQ, nhiệt độ thế giới đã tăng thêm 1 độ C và đang trên đà tăng thêm 3 độ C trong thế kỷ này. Điều này đòi hỏi các nước phải có mục tiêu tham vọng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các lệnh phong tỏa do đại dịch COVID-19 đã buộc Anh phải hoãn Hội nghị thượng đỉnh thường niên của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Các cuộc thảo luận này dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Sự chậm trễ này cùng với việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris đã khiến một số nước phát thải lớn trên thế giới, trong đó có Trung Quốc tạm dừng việc hoàn tất kế hoạch. Trong khi đó, Anh và một số nước trong EU đã đưa ra các mục tiêu mạnh mẽ hơn cho năm 2030. Mới đây, Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden đã cam kết sẽ nhanh chóng tham gia trở lại Hiệp định Paris, triệu tập cuộc họp với các nước phát thải lớn trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, để thúc đẩy các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn. Trong khi đó, bất chấp các rào cản về kỹ thuật và tài chính, đã có 8 trong tổng số 46 nước nghèo nhất trên thế giới nộp kế hoạch khí hậu tham vọng hơn trong năm ngoái. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng các chính phủ đang nghiêm túc hơn trong bối cảnh vấn đề khí hậu đang trở nên khẩn cấp hơn bao giờ hết.