Châu Mỹ: Số ca mắc và tử vong ở Mỹ và Brazil đều tăng
Mỹ và Brazil là hai điểm nóng nhất châu Mỹ và cũng là hai nước đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 và ca tử vong. Tính tới ngày 22/7, Mỹ có trên 4 triệu ca mắc và khoảng 145.000 ca tử vong; Brazil có trên 2 triệu ca mắc và trên 81.000 người thiệt mạng.
Tại Mỹ, theo hãng tin Reuters, ngày 21/7 là ngày Mỹ ghi nhận trên 1.000 ca tử vong lần đầu tiên kể từ ngày 29/5. Tính theo tuần, số ca tử vong vì COVID-19 đã tăng trong tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, đã có trên 5.200 người chết trong tuần kết thúc ngày 19/7, tăng 5% so với 7 ngày trước đó. Về ca mắc, Mỹ có trên 460.000 ca mắc COVID-19 mới trong tuần trước, tăng gần 15% so với 7 ngày trước đó.
19 bang đã ghi nhận ca tử vong tăng liên tục trong ít nhất hai tuần qua, trong đó có Arizona, Florida và Texas.
Tỷ lệ xét nghiệm đã tăng 9% ở Mỹ trong tuần trước và đạt kỷ lục mới ngày 17/7 khi Mỹ thực hiện trên 850.000 xét nghiệm. Trên cả nước Mỹ, 8,5% số xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, giảm so với mức trước đó nhưng vẫn cao hơn mức 5% - mức mà Tổ chức Y tế Thế giới cho là đáng lo ngại.
Một phần ba số bang ở Mỹ có tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên 5%, trong đó tỷ lệ ở Arizona là 24%, Florida và Nevada là 19%. Trong 7 tuần qua, số ca mắc COVID-19 mới ở Mỹ tăng liên tục. Lần đầu tiên kể từ tháng 4, số ca mắc tăng ở bang New York theo từng tuần, phá vỡ chuỗi 13 tuần giảm liên tục.
Thêm một thông tin ảm đạm nữa là nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy tốc độ lây nhiễm COVID-19 ở Mỹ trong thực tế cao hơn 10 lần so với báo cáo.
Trước tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, trong cuộc họp báo về COVID-19 đầu tiên tại Nhà Trắng kể từ tháng 4, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi quan điểm về khẩu trang và kêu gọi người Mỹ đeo để phòng bệnh. Ông nói: “Chúng tôi đề nghị mọi người rằng khi không thể giãn cách xã hội, hãy đeo khẩu trang. Dù bạn thích hay không thì khẩu trang cũng có tác dụng”.
Về tình hình dịch bệnh, ông Trump nhận định đại dịch có thể sẽ diễn biến tồi tệ hơn rồi mới có thể khá dần lên. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở vì Mỹ sắp bước vào mùa cúm mùa, thời điểm các bệnh liên quan tới virus lây lan mạnh tại nước này.
Trong khi đó, tại Brazil – điểm nóng thứ hai thế giới, đã có trên 2 triệu ca mắc COVID-19 và trên 81.000 người tử vong. Bản thân Tổng thống Jair Bolsonaro cũng xác nhận mắc COVID-19 ngày 7/7.
Trong thời gian gần đây, số ca mắc COVID-19 hàng ngày ở Brazil luôn ở mức vài chục nghìn người. Số ca tử vong cũng ở mức cao, trên dưới 1.000 người/ngày.
Theo tờ The Intercept, sau khi hoành hành các thành phố lớn ở Brazil, đại dịch COVID-19 đang lan ra các khu vực hẻo lánh nước này. Ngày càng nhiều người Brazil ở các thị trấn hẻo lánh chết vì bệnh COVID-19 khi hệ thống y tế ở đây không thể xử lý nổi số ca bệnh tăng mạnh.
Các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng việc Tổng thống Bolsanoro bác bỏ tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh đã khiến nhiều người Brazil bối rối và phá bỏ lệnh phong tỏa, dẫn tới gia tăng ca mắc chóng mặt.
Theo viện nghiên cứu Fiocruz, hồi tháng 2, 90% khu vực thành phố Brazil không có giường bệnh chăm sóc đặc biệt và 59% không có máy thở. Ở Altamira, chỉ có hai bệnh viện phục vụ 9 thành phố quanh đó. Khu vực này có 28 giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho 340.000 dân.
Châu Á: Ổ dịch là Ấn Độ
Tại châu Á, Ấn Độ là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất hiện nay. Nước này cũng đứng thứ ba thế giới sau Mỹ và Brazil về số ca mắc. Ngày 17/7, Ấn Độ đã vượt mốc 1 triệu ca mắc COVID-19. Tính tới ngày 22/7, quốc gia Nam Á này có trên 28.000 ca tử vong.
Mới đây, kết quả khảo sát do Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật của Ấn Độ (NCDC) phối hợp với chính quyền thủ đô New Delhi thực hiện cho thấy hơn 23% dân số ở New Delhi có thể đã mắc COVID-19.
Cụ thể, theo kết quả nghiên cứu, tính trung bình, trên toàn thủ đô New Delhi, tỷ lệ người dân có kháng thể chống COVID-19 IgG là 23,48%. Ngoài ra còn có một số lớn người dân ở thành phố này bị mắc bệnh mà không có triệu chứng.
Theo Bộ Y tế Ấn Độ, những kết quả nghiên cứu trên đã cho thấy một tỷ lệ lớn người dân vẫn có nguy cơ bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Để phòng ngừa, các biện pháp phong tỏa vẫn cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt và những quy định như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, vệ sinh tay... cần phải được tuân thủ chặt chẽ.
Theo nghiên cứu, dù virus SARS-CoV-2 lan rộng hơn ở Ấn Độ nhưng tỷ lệ tử vong lại thấp hơn nhiều. Tỷ lệ tử vong ở New Delhi là 0,08%, thấp hơn nhiều so với các bệnh khác như SARS, MERS hay cúm H1N1.
Châu Âu: EU thông qua quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro
Trong khi châu Mỹ và một số nước châu Á vẫn gồng mình chống dịch bệnh thì châu Âu đang bước sang giai đoạn phục hồi. Tuy nhiên, khi mở cửa nền kinh tế dần dần, một số quốc gia lại chứng kiến ca mắc tăng trở lại.
Tây Ban Nha là một trong số đó. Bộ Y tế nước này cho biết tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gấp 3 lần kể từ khi nới lỏng phong tỏa trong ba tuần qua. Nhà chức trách đang nỗ lực kiềm chế tốc độ lây lan ở các ổ dịch mới, chủ yếu tại vùng Catalonia và Aragon.
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê của ngành khách sạn và ăn uống, có khoảng 40.000 nhà hàng, khách sạn và quán rượu tại Tây Ban Nha phải đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch khiến người lao động mất việc làm hoặc phải làm việc tại nhà. Dự đoán đến cuối năm nay, con số nhà hàng và khách sạn phải đóng cửa có thể lên tới 65.000, tương đương 20% toàn bộ hoạt động của ngành.
Liên quan tới kế hoạch phục hồi kinh tế sau COVID-19, một diễn biến quan trọng là các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) dự hội nghị thượng đỉnh ngày 20/7 cuối cùng cũng đã vượt qua khác biệt để cùng đồng thuận về đề xuất ngân sách lớn chưa từng thấy lên tới hơn 1.000 tỷ euro cho 7 năm tới và quỹ phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 trị giá 750 tỷ euro.
Để đối phó với đợt suy thoái lớn nhất trong lịch sử, các quan chức cho biết EU đã nhất trí về gói phục hồi 750 tỷ euro, nhằm trao các khoản vay và hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh việc thông qua một kế hoạch đầy tham vọng là cần thiết trong bối cảnh khủng hoảng y tế đang tiếp tục đe dọa "cựu lục địa".
Theo trang thống kê worldometers.info, tới ngày 22/7, đại dịch COVID-19 đã khiến trên 2,7 triệu người châu Âu mắc bệnh và cướp đi sinh mạng của gần 200.000 người, đồng thời nhấn chìm nền kinh tế châu lục vào một cuộc suy thoái với dự báo tăng trưởng âm 8,3% trong năm nay.