Đại dịch COVID-19 trên thế giới có nhiều diễn biến mới

Dịch bệnh tấn công Nhà Trắng, châu Âu lại căng mình đối phó làn sóng COVID-19 mới, một số quốc gia Đông Nam Á chứng kiến số ca mắc tăng vọt… Những diễn biến mới trên cho thấy khủng hoảng đại dịch COVID-19 trên thế giới chưa thể sớm chấm dứt dù đã trên 36 triệu người mắc bệnh và trên 1 triệu người tử vong.

Tổng thống Trump mắc COVID-19

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump rời Trung tâm quân y quốc gia Walter Reed để về Nhà Trắng ngày 5/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Diễn biến dịch bệnh đáng chú ý nhất tại Mỹ trong tuần qua là Tổng thống Donald Trump có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 1/10 (giờ Mỹ). Đệ nhất Phu nhân Mỹ Melania cùng nhiều quan chức chính quyền cũng như phụ tá trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump cũng mắc COVID-19. Tổng thống Trump đã phải vào bệnh viện quân y Walter Reed chữa trị, song đã rời bệnh viện sau vài ngày ở đây. 

Diễn biến mới này không những khiến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 càng trở nên khó đoán định, mà còn làm dấy lên lo ngại về tình trạng sức khỏe của những quan chức chính quyền Mỹ. 

Dù vẫn phải điều trị tại Nhà Trắng, ngày 6/10 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump tuyên bố ông mong chờ cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai với ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden, sự kiện dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới. Ông Trump cũng cho biết bản thân cảm thấy tuyệt vời sau đêm đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Bác sĩ của Nhà Trắng Sean Conley thông báo sức khỏe của Tổng thống Trump đang "vô cùng tốt" và ông không có có triệu chứng COVID-19. Các chỉ số sức khỏe của nhà lãnh đạo Mỹ đều ổn định, độ bão hòa ô-xy trong máu ở mức 95-97%.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump làm việc tại phòng đặc biệt ở Trung tâm Quân y Walter Reed ngày 3/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh trong các cơ quan công quyền của Mỹ, Tổng thống Trump lại một lần nữa hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khi so sánh dịch bệnh nguy hiểm này với bệnh cúm. Trên trang Twitter, ông Trump nhận định: “Mùa cúm đang tới, hàng năm có nhiều người, đôi khi trên 100.000 người tử vong do cúm dù có vaccine. Khi đó, các bạn có đóng cửa đất nước chúng ta không? Không, chúng ta đã học cách sống chung với cúm, cũng giống như chúng ta đang học cách sống chung với COVID-19”.

Tính tới ngày 7/10, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới: trên 7,7 triệu ca mắc và trên 215.000 ca tử vong. Trong những ngày qua, Mỹ vẫn có trên 40.000 người mắc COVID-19 mỗi ngày.

Theo Reuters, có ít nhất 6 bang ở Mỹ (Montana, Nebraska, North Dakota, South Dakota và Wyoming) ghi nhận số trường hợp nhập viện vì COVID-19 tăng so với tuần trước đó. Còn tại New York, Thống đốc Andrew Cuomo đã thông báo các biện pháp hạn chế mới khi bang này xuất hiện nhiều ổ dịch mới trong và quanh thành phố New York – khu vực đô thị bị ảnh hưởng nặng nhất Mỹ. Một số khu vực có chùm ca bệnh nghiêm trọng sẽ cần phải phong tỏa nghiêm ngặt nhất.

Châu Âu căng mình đối phó làn sóng lây nhiễm mới

Chú thích ảnh
Đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trung tâm London, Anh ngày 30/9. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Âu, kể từ đầu tháng 9 tới nay, virus SARS-CoV-2 lại một lần nữa gây ra những chỉ số rất đáng lo ngại. Thực tế, trong hai ngày 5 và 6/10, Hà Lan ghi nhận số ca nhiễm trong ngày đều trên 4.500 ca. Trong khi đó, Anh đã ghi nhận tổng số trên 515.000 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch, sau khi đã cộng khoảng 16.000 ca mắc mới chưa được phát hiện ra trong tuần qua do sai sót trong khâu nhập dữ liệu.

Tại Pháp cũng như tại các nước láng giềng của nước này như Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italy, tỷ lệ các ca dương tính với virrus SARS-CoV-2 trên tổng số xét nghiệm đang gia tăng mạnh, số ca chuyển bệnh nặng phải nhập viện cũng tăng theo. Pháp ghi nhận trên 1.400 ca bệnh nguy kịch đang phải hồi sức cấp cứu, trong đó có trên 150 bệnh nhân phải nhập viện trong vòng 24 giờ qua. Ngoài ra, có 66 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong ngày 6/10 tại Pháp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch lên 32.365 trường hợp.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, để ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh mới, các nước châu Âu đã siết chặt phòng dịch. Kể từ đêm 6/10, người dân Ireland sẽ không được rời khỏi quận cư trú, các hoạt động hội hè dự kiến tổ chức trong nhà sẽ bị hoãn, các nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức trực tuyến, đặc biệt các nhà hàng chỉ được phục vụ khách ở không gian bên ngoài.

Tại Tây Ban Nha, các thành phố Leon, Palencia và San Andrés del Rabanedo sẽ bị phong tỏa một phần trong vòng hai tuần như đã từng xảy ra với thành phố Madrid và 9 quận ngoại vi của thành phố này kể từ ngày 2/10. Người dân tại những thành phố này không được ra ngoài, trừ những lý do thiết yếu như đi làm, học tập hoặc khám bệnh.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Paris, Pháp ngày 7/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Nước Pháp cũng đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với “các vùng có cảnh báo đỏ” như tại Aix-Marseille-Provence, Guadeloupe, Paris. Các quán bar, phòng tập thể thao và bể bơi sẽ phải đóng cửa trong hai tuần, còn các nhà hàng sẽ phải tuân thủ quy định y tế nghiêm ngặt để được mở cửa. 

Trong khi đó, nước Đức ít bị ảnh hưởng hơn trong đợt bùng phát dịch bệnh này so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, Đức cũng thiết lập các biện pháp phòng bệnh mới nghiêm ngặt hơn như bắt buộc đeo khẩu trang tại văn phòng, hạn chế số người tham dự các hoạt động hội hè, cấm bán rượu sau 23 giờ và hạn chế các cuộc tụ họp cá nhân ở mức tối đa 6 người.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu Hans Kluge nhấn mạnh trên truyền hình RTBF của Bỉ: “Dựa trên các dữ liệu điều tra tại các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy thái độ chán nản của người dân đang gia tăng”.  

Cũng theo ông Hans Kluge, cái giá phải trả cho các biện pháp mới về phòng dịch này sẽ rất lớn và người dân đã trở nên quá mệt mỏi. Để đối phó với tình trạng này, ông Kluge kêu gọi giới chức châu Âu lắng nghe ý kiến của công chúng và cùng với họ tạo ra các giải pháp nhằm tiếp tục đấu tranh chống đại dich COVID-19.

WHO cho biết 10% dân số thế giới (khoảng 780 triệu người) có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, con số chính thức được ghi nhận hiện nay là trên 36 triệu ca.

Châu Á: Đông Nam Á thêm 2 điểm nóng dịch bệnh

Theo hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ), số ca mắc COVID-19 ở Indonesia vẫn ở mức trên dưới 4.000 ca/ngày và đang giảm dần ở Philippines, nhưng con số này lại gia tăng ở Malaysia và Myanmar, biến hai nước này trở thành điểm nóng mới tại Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Malaysia, ngày 6/10 là ngày nước này ghi nhận số ca mắc cao nhất từ đầu dịch tới nay: 691 ca, trong đó đa số ca là lây nhiễm trong cộng đồng. Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết chính phủ chưa cân nhắc thiết lập lại lệnh phong tỏa toàn quốc cho dù số ca mắc tăng vọt. Malaysia có 13.504 ca mắc và 141 ca tử vong tính tới ngày 7/10.

Tại Myanmar, với 1.252 ca mắc mới ngày 6/10, tổng số ca ở nước này đang là 20.033, trong đó 471 ca tử vong. Tháng trước, Myanmar chỉ có chưa đầy 400 ca và 6 người chết, nhưng con số đã tăng mạnh trong vài tuần qua.

Trong khi đó, xét về tổng số ca bệnh, Philippines vẫn là quốc gia chịu tác động nghiêm trọng nhất Đông Nam Á với trên 326.000 ca mắc và trên 5.800 ca tử vong. Tính tới hết ngày 6/10, Đông Nam Á có trên 733.000 ca bệnh và gần 18.000 ca tử vong.

Giới chuyên gia cho rằng vaccine có thể là giải pháp đáng tin cậy để chặn đứng đại dịch. Tuy nhiên, thế giới vẫn đang chờ đợi thời điểm để có thể tiếp cận một cách rộng rãi vaccine COVID-19. Ngày 6/10, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định đến cuối năm nay thế giới sẽ có một loại vaccine ngừa COVID-19 đưa vào sử dụng. Tổng giám đốc WHO kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra cam kết chính trị và đoàn kết nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine một khi có sẵn.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Ứng cử viên Dân chủ J.Biden phản đối tranh luận nếu Tổng thống D.Trump còn mắc COVID-19
Ứng cử viên Dân chủ J.Biden phản đối tranh luận nếu Tổng thống D.Trump còn mắc COVID-19

Ngày 6/10, ông Tim Murtaugh, người phát ngôn ban vận động tái tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định ông chủ Nhà Trắng vẫn khỏe mạnh và sẵn sàng tham gia cuộc tranh luận tiếp theo với ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 15/10 tới tại Miami, bang Florida.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN