‘Đại dịch’ thuyết âm mưu bùng phát ở Mỹ đã lan sang châu Âu

Các thuyết âm mưu đen tối liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu COVID-19 và bắt nguồn từ phong trào QAnon ở Mỹ đang bén rễ tại châu Âu nhanh hơn bao giờ hết. 

Chú thích ảnh
Người biểu tình phản đối các biện pháp giới hạn nhằm ngăn chặn virus lây lan ngày 24/10/2020 tại Warsaw. Ảnh: AFP

“Nó không phải virus. Nó là một công cụ để sử dụng quyền lực”, cô Monique Lustig ở Hà Lan nói. Trong khi công dân Đức Hellmuth Mendel tranh luận COVID-19 chỉ là câu chuyện do một tổ chức tội phạm quốc tế bịa ra. “Và nếu tất cả chỉ là một bộ phim thì sao?”, bà Christophe Charret ở Pháp đặt câu hỏi. 

Từ The Hague đến Stuttgart và Paris, người dân tuyên bố đang chiến đấu chống lại sự kiểm soát tâm trí của một giai cấp thống trị mà họ cho rằng đã phát minh ra đại dịch COVID-19 nhằm đạt được những mục đích xấu xa. 

Những tài khoản ủng hộ các giả thuyết đen tối đã bị xóa khỏi mạng xã hội Twitter và YouTube do vi phạm các quy định về thông tin giả. “Tín đồ” thuyết âm mưu đã tìm đến các nền tảng khác để công bố thông tin - chủ yếu là sai sự thật - mà họ cho là bị phương tiện truyền thông chính thống che giấu.

Các phóng viên của hãng thông tấn Pháp AFP đã dành nhiều tháng để tìm hiểu thực trạng lây lan của các thuyết âm mưu về COVID-19 tại châu Âu. Các nhóm đối tượng ủng hộ thuyết âm mưu đã tạo nên sự pha trộn khác nhau giữa các phong trào và quan điểm, song sức mạnh ngày càng tăng của họ đang khiến giới tình báo châu Âu lo ngại. 

Điều phối viên tình báo quốc gia Pháp Laurent Nunez cho biết: "Các phong trào thuyết âm mưu đã thành công đáng kể trên mạng xã hội. Chúng tôi thấy rằng giờ đây mọi người đang tham gia những nhóm bí mật. Rõ ràng đó là một mối đe dọa".

Chú thích ảnh
In a photo taken on March 14, 2021, Một cảnh sát chống bạo động Hà Lan đối diện với đám đông phản đối các biện pháp giới nghiêm chống COVID-19 tại The Hague, ngày 14/3/2021. Ảnh: AFP

Các nhóm có liên kết với thuyết âm mưu QAnon ở Mỹ đang phát triển trên mạng xã hội châu Âu. Khoảng 30.000 người đăng ký ứng dụng nhắn tin Telegram theo dõi cái gọi là DeQodeurs ở Pháp, hơn 100.000 người theo dõi các nhân vật thuyết âm mưu người Đức Attila Hildmann và Xavier Naidoo, trong khi gần 150.000 người theo dõi Charlie Ward ở Anh - người không ngừng đăng bài bịa đặt liên quan đến cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Một nguồn tin trong cộng đồng tình báo ở Pháp nói với AFP rằng hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về vấn đề này. Những phong trào này ít nhiều đã tồn tại trong 10 - 15 năm qua và xuất thân của những “tín đồ” ngày càng đa dạng.  

Việc can dự có thể khiến các gia đình tan nát khi họ không thể ngăn những người thân yêu rơi vào vòng vây của các nhóm cực đoan, Paul - một người làm nghề bán sách 48 tuổi - nói trong lúc kể về chuyện mẹ anh đã đánh mất mình khi tham gia các phong trào này như thế nào. 

“Mẹ tôi sống ẩn dật. Bà dành phần lớn thời gian để trực tuyến, tìm kiếm những câu trả lời cho nỗi phẫn nộ của bà đối với các sự bất công trên thế giới. Bà xem YouTube cả ngày. Các kênh thuyết âm mưu là cánh cửa sổ duy nhất kết nối với thế giới của bà. Bà cho rằng lệnh phong tỏa và COVID-19 chính là bằng chứng về ngày tận thế”, ông chia sẻ. 

Các cuộc biểu tình chống lại những biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn virus lây lan luôn thu hút lượng lớn những người theo thuyết âm mưu. Ở Đan Mạch, các thành viên của nhóm "Men in Black" nhấn mạnh rằng virus SARS-CoV-2 chỉ là trò lừa đảo. Trong khi ở Berlin, những đoàn biểu tình chống lệnh giới hạn có thể lên đến 10.000 người, đặc biệt không ít người vung cờ của QAnon.

Tom de Smedt, nhà nghiên cứu về phong trào này tại châu Âu cho biết: “QAnon là điểm hội tụ của các nhóm cực hữu, những người tin vào người ngoài hành tinh, những người nghĩ rằng công nghệ không dây 5G là nhằm kiểm soát con người”.

Chú thích ảnh
Người biểu tình đứng trước lực lượng cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin ngày 29/8/2020. Ảnh: AFP

Sản sinh từ Mỹ, QAnon đã trở nên nổi tiếng toàn cầu sau vụ bạo loạn ở Điện Capitol trong những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump hồi tháng 1.

Phong trào này lấy tên gọi từ các tin nhắn bí ẩn do một cá nhân tự xưng là "Q" đăng tải. Người này được cho là một quan chức cấp cao thân cận với ông Trump. Hoạt động rất tích cực ở Mỹ kể từ năm 2017, QAnon đặc biệt ủng hộ giả thuyết về một “chính quyền ngầm” (deep state) sẽ thống trị trật tự thế giới.

Bê bối Pizzagate không được xác thực, trong đó các thành viên Đảng Dân chủ Mỹ bị cáo buộc đứng đầu một đường dây ấu dâm, cũng là một nền tảng cót lõi trong hệ tư tưởng của QAnon. Các tuyên bố của nhóm âm mưu đôi khi vượt quá cả sức tưởng tượng, chẳng hạn như tuyên bố rằng lực lượng chức năng đã giải thoát 1.000 trẻ em khỏi con tàu Ever Given từng chắn ngang Kênh đào Suez, như một phần của đường dây buôn người quốc tế do nữ chính trị gia Hillary Clinton chủ mưu. 

Đối với Christophe Charret, một thương nhân người Pháp có tính cách thân thiện và thân hình lực lưỡng, thông điệp của “Q” như là kinh thánh của người theo thuyết âm mưu. Vào buổi tối khi Thủ tướng Pháp Jean Castex lên sóng truyền hình trực tiếp để thông báo lệnh phong tỏa mới, ông Charret còn chẳng thèm bật vô tuyến lên.

Thay vào đó, ông ta ngồi trong phòng làm việc nhỏ dưới tầng hầm, chuẩn bị xuất hiện trên bản tin thời sự hàng ngày của Human Alliance - hiệp hội với 12.000 người đăng ký trên Telegram - chuyên phân tích tin tức theo cách âm mưu. Giai điệu mở đầu vang lên gay cấn như trong phim bom tấn Hollywood. Chuỗi hình ảnh nối tiếp không ngừng nghỉ về những âm mưu liên quan đến vụ ám sát Tổng thống J.F. Kennedy, vụ khủng bố 11/9, mạng viễn thông 5G, vaccine phòng bệnh, cựu Tổng thống Donald Trump và cả tỷ phú Bill Gates. 

Tuy nhiên, Telegram - ứng dụng nhắn tin cực kỳ phổ biến được tạo ra bởi doanh nhân công nghệ người Nga Pavel Durov - luôn khẳng định thực hiện đầy đủ các biện pháp chống lại nội dung cực đoan đồng thời cung cấp một diễn đàn an toàn cho quyền tự do ngôn luận.

Giới chức tình báo châu Âu hiện không giấu nỗi lo lắng rằng những thuyết âm mưu có thể dẫn đến sự mất ổn định của các nền dân chủ. Một quan chức tình báo cấp cao của Pháp cho biết: “Chúng tôi e là những cá nhân này có thể chuyển sang hành động bạo lực”. Quan chức tình báo ở Stuttgart cho biết bầu không khí biểu tình ở Đức gần đây trở nên hung hãn hơn nhiều.

Sylvain Delouvee, nhà tâm lý học xã hội tại Đại học Rennes của Pháp, cho biết: “Điều nguy hiểm nhất đối với tôi không phải là số ít những người cực đoan mà đó là loại sóng thủy triều dẫn đến sự nghi ngờ ngày càng mạnh mẽ đối với các thể chế”. Vẫn còn phải xem liệu làn sóng như vậy có tăng cường độ về mặt chính trị hay không.

Các cuộc bầu cử lập pháp ở Đức năm nay cùng các cuộc thăm dò tổng thống Pháp vào năm 2022 sẽ là những bài kiểm tra quan trọng, với đại dịch vẫn là một yếu tố không thể bỏ qua.

Xuân Chi/Báo Tin tức
Tia hy vọng cho Ấn Độ dù khủng hoảng COVID-19 vẫn hiện hữu
Tia hy vọng cho Ấn Độ dù khủng hoảng COVID-19 vẫn hiện hữu

Số ca nhiễm mới đã giảm mạnh gần 70% tại thủ đô tài chính Mumbai, làm dấy lên một tia hy vọng cho dù Ấn Độ vẫn chưa thể thoát khỏi làn sóng dịch tàn khốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN