Trong thông báo trên Twitter, người phát ngôn trên nêu rõ, tại cuộc gặp trước đó một ngày, ông Haqqani khẳng định các nhân viên của LHQ có thể tiến hành hoạt động cứu trợ, cung cấp viện trợ thiết yếu cho người dân Afghanistan “mà không gặp bất kỳ trở ngại nào”.
Trong khi đó, Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan cho biết, tại cuộc gặp, bà Lyons đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo tất cả nhân viên LHQ cũng như nhân viên nhân đạo ở Afghanistan có thể làm việc và cung cấp viện trợ cho người dân Afghanistan mà không bị đe dọa hoặc cản trở.
Cùng ngày 16/9, Văn phòng Điều phối các hoạt động nhân đạo của LHQ (OCHA) công bố báo cáo cho biết, từ đầu năm đến nay, hơn 634.000 người Afghanistan đã phải di tản ở trong nước do xung đột. Theo đó, tính đến ngày 12/9, tổng cộng 634.800 người đã phải đi lánh nạn, trong đó 282.246 người đã được hỗ trợ.
Các quan chức Afghanistan và các cơ quan cứu trợ nhân đạo đã bày tỏ lo ngại về điều kiện sống của các gia đình phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, khi không được tiếp cận các cơ sở y tế và trường học. Không chỉ vậy, từ đầu năm đến nay, hơn 28.000 người Afghanistan cũng bị ảnh hưởng do thiên tai.
Tuần trước, tại Hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Afghanistan do LHQ tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi các nước tăng cường viện trợ cần thiết cũng như hỗ trợ phụ nữ và những người dễ bị tổn thương ở quốc gia Tây Nam Á này. Ông Guterres nhấn mạnh người dân Afghanistan đang cần “phao cứu sinh” trong thời khắc có lẽ là nguy hiểm nhất sau nhiều thập kỷ nước này chìm trong nội chiến. Theo số liệu của LHQ, khoảng 50% dân số Afghanistan đang phải sống dựa vào hàng hóa viện trợ nhân đạo.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) - liên minh phòng thủ do Nga dẫn đầu, khẳng định khối này không có kế hoạch tiếp nhận người tị nạn Afghanistan trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và an ninh tại quốc gia Tây Nam Á.
CSTO gồm 3 quốc gia Trung Á là Tajikistan (có chung đường biên giới với Afghanistan), Kyrgyzstan và Kazakhstan cùng với Nga, Armenia và Belarus.
Tuyên bố của Văn phòng Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cho biết, tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo CSTO ở Tajikistan, Tổng thống Tokayev bày tỏ ủng hộ quan điểm chung của khối không tiếp nhận người tị nạn Afghanistan hoặc bố trí các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ các nước thành viên CSTO.
Trong khi đó, Uzbekistan - quốc gia Trung Á khác có biên giới với Afghanistan nhưng không thuộc CSTO, cũng cho biết sẽ chỉ cho phép người tị nạn Afghanistan quá cảnh trong thời gian ngắn trong hành trình bay đến các nước thứ ba.