Ngoài ra, cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng do thu nhập của giới công chức bị giảm sút cũng gây ra những tác động tiêu cực đối tình hình kinh tế ở vùng lãnh thổ này.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong một thông cáo báo chí gửi cho báo giới ở khu vực, ông Al-Khodari cho biết 3.500 nhà máy, công xưởng và các doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động trong thời gian Israel áp đặt chính sách phong tỏa vùng lãnh thổ này kéo dài suốt 12 năm qua.
Theo ông, nhiều doanh nghiệp của Palestine đã phải ngừng hoạt động và tình trạng này diễn ra hằng ngày ở Dải Gaza. Quan chức này cho biết tỷ lệ đói nghèo đã lên tới 85%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp là 60%, còn thu nhập hằng ngày của mỗi người ở Dải Gaza hiện chưa tới 2 USD/ngày. Trong khi đó, hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học mà chưa có việc làm.
Ngoài ra, ông Al-Khodari cho rằng các thị trường kinh tế của Palestine ở Dải Gaza và khu Bờ Tây bị chiếm đóng đã bị suy thoái ở mức nghiêm trọng. Ông cho biết doanh số bán hàng đã sụt giảm tới 80% ở Dải Gaza và 50% ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng. Ông cũng lưu ý rằng tình hình ở Dải Gaza đang xấu đi nghiêm trọng do các nước Arab cũng như các chương trình cứu trợ của quốc tế giảm bớt quy mô hoạt động cứu trợ cho vùng lãnh thổ này.
Ông Al-Khodari cho rằng Israel cần phải bãi bỏ chính sách bao vây phong tỏa Dải Gaza để giúp cho đời sống của người dân Palestine ở đây bớt khó khăn. Bên cạnh đó, các phe phái của Palestine cần chấm dứt sự chia rẽ, bất đồng nội bộ, qua đó có thể khiến sự tương tác và kết nối giữa Dải Gaza và Bờ Tây được diễn ra thuận lợi hơn. Ông Al-Khodari cũng kêu gọi các nước Arab và cộng đồng quốc tế nhanh chóng can thiệp nhằm hối thúc Israel chấm dứt việc vây hãm Dải Gaza, cũng như tăng cường hoạt động hỗ trợ cho các vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng.