Theo tờ Financial Times, gần 700 năm trước, các trường đại học tại châu Âu từ Oxford đến Padua đã buộc phải đóng cửa vì đại dịch “Cái chết đen’. Đại dịch kéo theo hậu quả kéo dài trong nhiều thập kỉ khi các trường chứng kiến sự sụt giảm đáng kể về số lượng và chất lượng sinh viên.
Đến hiện tại, khi dịch COVID-19 bùng phát, hàng trăm trường đại học trên thế giới lại tập trung nghĩ ra các biện pháp ứng phó trước những gián đoạn ngắn hạn do đại dịch gây ra, bao gồm duy trì phúc lợi cho nhân viên và sinh viên, đóng cửa ký túc xá và thay đổi chương trình giảng dạy, kiểm tra trực tuyến.
Tuy nhiên, nhiều trường vẫn lo ngại về một viễn cảnh biến động hơn, có thể tái cơ cấu hay thậm chí phải đóng cửa vĩnh viễn.
“Ngay cả trước khi chúng ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19, giáo dục đại học đã phải chịu nhiều sức ép buộc đưa ra các quyết định với những tác động đáng kể”, ông Vincent Price, Hiệu trưởng Đại học Duke (Mỹ), nhận định.
Hệ thống đại học định hướng thị trường tại Mỹ, Anh, Australia và Canada được cho là dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19, khi các trường này thu học phí và vay mượn phần lớn để đầu tư vào những thứ như phòng thể chất, chỗ ở cho sinh viên nhằm thu hút học sinh nước ngoài. Du học sinh thường đóng học phí cao hơn sinh viên trong nước, và số lượng du học sinh trên toàn cầu hiện đã lên tới trên 5 triệu em.
Giới phân tích cho rằng ngành giáo dục Anh đang phụ thuộc vào thị trường học sinh nước ngoài nhiều đến mức Universities UK – cơ quan đại diện cho giáo dục đại học ở Anh – phải lên tiếng cảnh báo doanh thu năm học tới của các trường năm nay có thể tổn thất đến 7 tỷ bảng Anh, chiếm 1/3 học phí thu được từ sinh viên nước ngoài.
Trong khi đó, hội đồng các trường đại học Australia ước tính các thành viên sẽ thiệt hại khoảng 2,8 tỷ USD, chiếm 14% tổng doanh thu cả năm.
“Tình trạng này sẽ khiến 21.000 người đứng trước nguy cơ mất việc trong 6 tháng tới, và con số còn có thể tiếp tục tăng lên. Các trường đại học độc lập đã cắt giảm chi phí hoạt động, tạm hoãn một vài chương trình nghiên cứu quan trọng và giảm bớt lương nhân viên cấp cao. Tuy nhiên, những biện pháp đó vẫn chưa đủ”, Catriona Jackson – người đứng đầu hội đồng – chia sẻ.
Trên thực tế, số lượng sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm phần lớn số du học sinh tại các trường đại học ở Mỹ, Australia và Anh. Gần 1 triệu sinh viên Trung Quốc sống và học tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, con số đó năm nay giảm mạnh. Nhiều sinh viên chưa quay trở lại các trường đại học từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hồi tháng Một. Thậm chí ngay cả khi các lệnh hạn chế di chuyển bắt đầu được dỡ bỏ trong một vài tháng tới, thì vẫn có sự chậm trễ nhất định đối với việc tổ chức kỳ thi tiếng Anh đầu vào, những sự kiện quảng bá trường học và quá trình xin thị thực, từ đó cản trở các sinh viên Trung Quốc đến các trường đại học ở nước ngoài.
“Một số trường đại học đối mặt với nguy cơ lớn khi quá phụ thuộc vào thị trường sinh viên Trung Quốc. Số lượng sinh viên nước ngoài sẽ giảm đáng kể vì không ai thực sự muốn rời khỏi nhà. Kết cục là các trường đại học sẽ phải hứng chịu một sự biến động lớn trong mô hình kinh doanh giáo dục”, ông Martin Parkinson, Hiệu trưởng Đại học Macquarie (Australia), chỉ ra.
Theo một cuộc khảo sát gần đây đối với khoảng 11.000 sinh viên do Cơ quan Xếp hạng Giáo dục QS thực hiện, gần một nửa trong số đó bày tỏ sẽ hoãn kế hoạch đi du học. 1/5 các em cho biết có thể đổi điểm đến hoặc hủy hoàn toàn kế hoạch du học.
Một số chuyên gia nhận xét chính quyền các nước nói tiếng Anh như Australia, Anh, hay Mỹ vì có phản ứng chậm trễ đối với đại dịch COVID-19 nên điều đó có thể làm giảm mức độ quan tâm của sinh viên Trung Quốc, trong khi các quốc gia châu Á như Hàn Quốc hay Singapore lại được ca ngợi về mô hình chống virus SAR-CoV-2, từ đó nâng cao uy tín và thu hút học sinh, sinh viên từ khắp các khu vực.
Không chỉ không có doanh thu khi mất học sinh, một số trường đại học ở Mỹ và châu Âu còn phải đối mặt với làn sóng yêu cầu giảm học phí hoặc hoàn tiền đối với các sinh viên bức xúc khi phải học trực tuyến. Bên cạnh đó, các trường cũng mất thu nhập do không tổ chức được các chương trình hội thảo, đào tạo hay không nhận được tiền đầu tư.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s đã hạ thấp triển vọng đối với các trường đại học công lập ở Mỹ xuống mức “âm”. Trong tháng Tư, cơ quan này cảnh báo khoản tài trợ cho các trường đại học công lập Mỹ từ các cơ quan lập pháp nhà nước, chiếm 1/4 doanh thu, đặc biệt dễ bị tổn thương do thuế giảm.
“Các trường đại học công lập có nguy cơ nhận được tài trợ của chính phủ thấp hơn so với các đối tác quốc tế. Sức ép trước việc các bang tập trung nguồn lực cho các dịch vụ thiết yếu hơn trong mùa dịch như hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể dẫn đến việc cắt giảm tài trợ cho các trường đại học”, báo cáo của Moody’s đề cập.
Tình trạng bị cắt giảm khoản tiền đầu tư và tài trợ từ chính phủ sẽ ảnh hưởng tới một chức năng cơ bản khác của giáo dục đại học, đó là nghiên cứu. Bà Alice Gast, Hiệu trưởng Đại học Hoàng gia London, cho rằng các chính phủ nên ngưng lệ thuộc vào nguồn thu từ học phí của sinh viên nước ngoài để chi trả cho các công trình nghiên cứu quan trọng tại các trường đại học.
Cùng chung nỗi niềm với nhiều đồng nghiệp, ông David Van Zandt – Hiệu trưởng Đại học New School tại New York (Mỹ) – lo lắng về sự trở lại của sinh viên trong nước cũng như quốc tế trong năm học tới.
“Với hầu hết các trường, mùa Thu tới sẽ là thời điểm quyết định thành hay bại. Chúng tôi không biết mọi thứ có quay trở lại như cũ hay không hay chỉ mở cửa một phần. Virus SARS-CoV-2 là một yếu tố làm bùng phát, giống như ném xăng vào đốm lửa than vậy. Nó có thể đem đến nhiều thay đổi lớn trong giáo dục đại học vốn dĩ cần phải làm trước đó. Những thay đổi đó bao gồm việc cắt giảm, sáp nhập và thậm chí có thể đóng cửa”.