Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, sự kiện năm nay quy tụ các đại biểu từ 77 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm các giáo viên dạy tiếng Nga đến từ các trường đại học hàng đầu nước ngoài, các nhà nghiên cứu văn học Nga, dịch giả, nhân vật công chúng, nhân vật văn hóa và khoa học, các nhà báo và blogger, các nhà ngoại giao, người đứng đầu các tổ chức của người Nga ở nước ngoài, đại diện giáo sĩ, cộng đồng thanh niên.
Khai mạc sự kiện, Chủ tịch Ban kiểm soát Quỹ “Thế giới Nga”, cố vấn của Tổng thống LB Nga, ông Vladimir Tolstoy, đã đọc lời chào mừng của Tổng thống Vladimir Putin gửi Đại hội. Trong thư chào mừng, Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng Đại hội sẽ góp phần phát triển hợp tác nhân văn quốc tế và các mối quan hệ chuyên môn, cá nhân. Ông Putin khẳng định Nga sẵn sàng tăng cường quan hệ đối tác hữu nghị trong mọi lĩnh vực và kêu gọi các đại biểu thảo luận về các vấn đề liên quan đến phổ biến ngôn ngữ và văn học Nga, cũng như củng cố không gian thông tin tiếng Nga, bảo tồn di sản lịch sử, sáng tạo và tinh thần phong phú, đa dạng của “Thế giới Nga”, vốn là thế giới của những danh hào Aleksander Pushkin, Lev Tolstoy hay Fyodor Dostoyevsky.
Hội nghị gồm phiên họp toàn thể với chủ đề “Sứ mệnh của ngôn từ Nga trong thế giới đa cực” cùng một loạt hội thảo bàn tròn về ngôn ngữ và văn hóa Nga, bao gồm “Văn học Nga trong vai trò dẫn dắt các giá trị truyền thống phổ quát của nhân loại”, “Phong trào quốc tế của những người thân Nga: Phổ biến ngôn ngữ và văn hóa Nga”, “Phương thức làm tăng hứng thú học tiếng Nga ở nước ngoài”…
Ngoài ra, các đại biểu khi tới dự Đại hội còn được thưởng thức một chương trình văn hóa phong phú, trong đó có chuyến tham quan triển lãm “Nga” đầy ấn tượng. Các đại biểu cũng nghe lời chào mừng của Thủ tướng LB Nga Mikhail Mishustin, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Valentina Matviyenko , Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Vyacheslav Volodin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov…
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại sự kiện, bà Mai Nguyễn Tuyết Hoa - Bí thư thứ nhất phụ trách giáo dục của Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga - cho biết ở Việt Nam, Trung tâm tiếng Nga đầu tiên do Quỹ “Thế giới Nga” bảo trợ được thành lập năm 2010 tại Đại học Quốc gia Hà Nội và hiện có 2 trung tâm tiếng Nga như vậy cùng với nhiều phòng đọc “Thế giới Nga” ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mục đích của Quỹ “Thế giới Nga” không chỉ là quảng bá và giảng dạy tiếng Nga mà còn mở rộng hơn rất nhiều, bao gồm cả văn hóa, lịch sử và dân tộc. Do vậy, Quỹ “Thế giới Nga” cũng như những đại hội hàng năm được Quỹ tổ chức hội tụ tất nhiều người yêu tiếng Nga, yêu văn hóa Nga và nghiên cứu văn hóa Nga về tham dự, từ cả trong và ngoài nước.
Nhà giáo dục, Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh cho rằng tham gia “Thế giới Nga” là cơ hội cho người Việt, trước hết là vì những giá trị lâu bền của tiếng Nga và văn hóa Nga. “Những vẻ đẹp lấp lánh của thiên nhiên và con người là những giá trị cần được chia sẻ, quảng bá và qua những giá trị đó để giáo dục trẻ em trong thời đại ngày nay. Chúng ta có nhiều cơ hội để hướng ra thế giới thông qua tiếng Nga, trong đó có cơ hội việc làm nếu có thể quảng bá và học tiếng Nga tốt hơn”, Tiến sĩ Thụy Anh chia sẻ.