Trong khi đó, giới chức thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cảnh báo nguy cơ "bùng nổ" các ca mắc mới COVID-19 trong những ngày tới trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này chuẩn bị bắt đầu kỳ nghỉ lễ Năm mới.
Ngày 30/12, Đài Loan thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể VUI-202012/01 được phát hiện tại Anh. Bệnh nhân là một người mới ở nước ngoài trở về Đài Loan ngày 27/12 vừa qua. Ngay sau đó, chính quyền Đài Loan thông báo công dân nước ngoài không cư trú dài hạn tại Đài Loan không được phép nhập cảnh từ ngày 1/1.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng lần đầu tiên phát hiện "một số lượng hạn chế" các trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 ở nước này.
Phát biểu với báo giới, ông Omar al-Hammadi, một người phát ngôn Chính phủ UAE cho biết những trường hợp nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 đều trở về từ nước ngoài. Tuy nhiên, quan chức này không nói rõ nguồn lây nhiễm từ đâu và số lượng cụ thể các trường hợp này.
Cùng ngày, nhà chức trách UAE thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 1.506 ca mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp mắc căn bệnh nguy hiểm này lên 204.369 người, trong đó có 662 ca tử vong.
Trước đó, ngày 21/12, hãng thông tấn Oman cho biết nhà chức trách nước này đang xác minh 4 ca nghi ngờ nhiễm biến thể VUI-202012/01, song không công bố thêm chi tiết.
UAE vẫn mở cửa biên giới và cho phép các chuyến bay quốc tế, trong khi quốc gia láng giềng là Saudi Arabia ngày 28/12 đã gia hạn lệnh cấm nhập cảnh vương quốc này thêm 1 tuần. Ngày 29/12, Oman đã mở cửa trở lại biên giới, trong khi Kuwait ngừng mọi chuyến bay thương mại và đóng cửa biên giới đất liền và trên biển cho đến ngày 1/1/2021.
Trong bối cảnh người dân Nhật Bản đang chuẩn bị bắt đầu kỳ nghỉ lễ Năm mới và hàng triệu người có thể đi lại trên khắp đất nước, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 sẽ diễn biến phức tạp hơn và số ca nhiễm mới có thể "bùng nổ" trong những ngày tới.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh ngày 30/12, thủ đô Tokyo đã ghi nhận thêm 944 ca nhiễm mới, chỉ thấp hơn 5 ca so với mức cao kỷ lục 949 ca ghi nhận trong ngày 26/12. Giới chuyên gia y tế cho rằng nếu dịch bệnh không được kiểm soát, số ca nhiễm mới ở thủ đô Tokyo có thể tăng lên mức hơn 1.000 người/ngày. Do đó, Thống đốc Koike kêu gọi người dân ở nhà càng nhiều càng tốt trong kỳ nghỉ sắp tới.
Theo bà, tình hình dịch bệnh ở Tokyo đang ở giai đoạn cực kỳ nghiêm trọng, khi thời tiết được dự báo sẽ giá rét trong mùa Đông và Nhật Bản đều đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể VUI-202012/01 và biến thể 501Y.V2 được phát hiện ở Nam Phi.
Thống đốc Tokyo cho rằng số ca nhiễm mới ở thành phố này có thể "bùng nổ" bất cứ lúc nào và tình hình không được kiểm soát vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm mới 2021, chính quyền Tokyo sẽ buộc phải đề xuất chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, tại Hội nghị giám sát thủ đô Tokyo diễn ra cùng ngày, giới chuyên gia y tế nước này cho rằng nếu tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn như thời gian vừa qua, nhiều khả năng hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế sẽ đối mặt với nguy cơ sụp đổ. Do đó, giới chuyên gia hối thúc chính quyền Tokyo sớm đưa ra các biện pháp mạnh, bởi phải mất khoảng 2 đến 3 tuần, chính sách mới có thể bắt đầu phát huy hiệu quả.
Theo phân tích của ông Takao Omagari, Giám đốc Trung tâm bệnh truyền nhiễm quốc tế, trung bình số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 đạt mức tối đa trong 3 tuần liên tiếp. Điều này trực tiếp làm gia tăng sức ép đối với hệ thống y tế. Hiện hệ thống y tế của Tokyo đang được duy trì ở mức 4 - mức nghiêm trọng nhất trong thang cảnh báo y tế, song đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng khủng hoảng nếu không có giải pháp kịp thời.