Trả lời phỏng vấn hãng tin Sputniknews (Nga), Đại sứ Agbar nhấn mạnh: “Tôi đề nghị các nước lớn có lợi ích riêng tại Afghanistan không vội vàng công nhận Taliban. LHQ nên tham gia tiến trình hòa bình (ở Afghanistan) để tất cả lợi ích của người dân, cả công dân và giáo dân, đều được xem xét; để Taliban thành lập một chính phủ đa đại diện và tổ chức bầu cử với sự tham gia nhiệt tình, chứ không phải mang tính hình thức, của tất cả các dân tộc ở Afghanistan vào tiến trình này”.
Theo Đại sứ Agbar, các nước tài trợ và ủng hộ Taliban nên đảm bảo rằng lực lượng này sẽ thực hiện những cam kết của mình. Ngoài ra, ông cũng nhận định lực lượng Hồi giáo này sẽ không đồng ý đàm phán với các lực lượng kháng chiến ở tỉnh Panjshir, miền Đông Bắc Afghanistan, cho tới khi có áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov cho biết Moskva chỉ có thể công nhận chính quyền mới ở Afghanistan, sau khi một chính phủ đa đại diện được thành lập.
Thứ trưởng Morgulov nhấn mạnh: “Chúng ta nên chờ đợi thành lập một chính phủ mới đại diện cho tất cả các lực lượng chính trị (ở Afghanistan), bao gồm các nhóm sắc tộc thiểu số. Chỉ khi đó chúng ta mới đưa ra quyết định công nhận chính thức, chứ không cần vội vàng. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng các bên liên quan sẽ tìm cách đạt được đồng thuận chính trị và một cấu trúc quyền lực nhà nước mới sẽ được hình thành, tính đến lợi ích của tất cả người dân Afghanistan”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Morgulov cũng cảnh báo các mối đe dọa khủng bố vẫn tồn tại ở Afghanistan, trong bối cảnh các hoạt động của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng khiến cho tình hình an ninh tại quốc gia Tây Nam Á này trở nên bất ổn. Theo ông, các tay súng IS và các nhóm khủng bố khác có thể xâm nhập những nước láng giềng của Afghanistan, kể cả theo con đường của những người tị nạn. IS dường như sẽ không hạ vũ khí và từ bỏ ý định thành lập một thể chế nhà nước Hồi giáo toàn cầu.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Hà Lan Sigrid Kaag và người đồng cấp Qatar - ông Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani đã có cuộc hội đàm tại Doha (Qatar) liên quan tình hình tại Afghanistan.
Theo Ngoại trưởng Hà Lan, nước này sẽ chuyển cơ quan đại diện ngoại giao ở Kabul đến Qatar, sau khi lực lượng Taliban tiếp quản Afghanistan. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm, bà Kaag cho biết: "Tôi đã đề nghị và ông ấy nhất trí với việc di dời Đại sứ quán Hà Lan từ Kabul đến Doha". Trước Hà Lan, Mỹ và Anh cũng đã thông báo chuyển cơ quan đại diện ngoại giao của mình từ Kabul tới Doha.
Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Qatar cũng đã hối thúc lực lượng Taliban đảm bảo "hành lang an toàn" cho những người muốn rời khỏi Afghanistan sau khi kết thúc chiến dịch sơ tán do Mỹ dẫn đầu. Ngoại trưởng Qatar cho biết: "Chúng tôi nhấn mạnh với Taliban về vấn đề tự do đi lại và có hành lang an toàn cho người dân xuất nhập cảnh nếu họ muốn. Chúng tôi hy vọng những cam kết (của Taliban) sẽ được hiện thực hóa trong tương lai gần, khi sân bay nối lại các hoạt động và mọi thứ có thể diễn ra trôi chảy, không có gì trở ngại đối với bất cứ ai muốn rời đi hoặc muốn đến Afghanistan".
Qatar là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán giữa Mỹ và lực lượng Taliban những năm gần đây. Quốc gia vùng Vịnh này cũng là địa điểm trung chuyển cho khoảng 43.000 người di tản khỏi Afghanistan.
Đã có khoảng 123.000 người được sơ tán khỏi Kabul, song vẫn còn hàng nghìn người khác đang kẹt lại quốc gia Tây Nam Á này sau khi chiến dịch không vận của Mỹ kết thúc. Theo giới chức Mỹ, sân bay ở Kabul đang trong tình trạng tồi tệ, với phần lớn cơ sở hạ tầng cơ bản bị xuống cấp hoặc bị phá hủy.