Trả lời phỏng vấn đài phát thanh TBS của Hàn Quốc, ông Harris nói rằng: "Tôi cho rằng có lý do để lạc quan... Tôi cho rằng hoàn toàn có hy vọng sẽ sớm có các cuộc đàm phán".
Đại sứ Mỹ dẫn những phát biểu gần đây của Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo nhiều lần bày tỏ hy vọng các cuộc hội đàm cấp chuyên viên được nối lại rất sớm, cũng như cam kết từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc nối lại đàm phán hạt nhân.
Đề cập các vụ phóng tên lửa gần đây của Triều Tiên, Đại sứ Harris tái khẳng định lập trường của Mỹ cho rằng đó là những vụ thử tên lửa "tầm ngắn". Quan chức này cho biết Mỹ không quá quan tâm tới những vụ phóng tên lửa, điều mà Washington quan tâm là mang lại hòa bình cũng như đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên bán đảo Triều Tiên.
Về các cuộc tập trận chung được lên kế hoạch giữa Mỹ và Hàn Quốc mà Triều Tiên lâu nay cáo buộc là hành động tập dượt chiến tranh, ông Harris - một cựu Tư lệnh Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ - chỉ rõ các cuộc diễn tập đã được điều chỉnh và mục đích tập trận là nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong khuôn khổ nghĩa vụ của liên minh Mỹ-Hàn.
Đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên bị gián đoạn kể từ sau hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 2 vừa qua kết thúc mà không đạt thỏa thuận.
Việc Triều Tiên gần đây tiến hành các vụ thử vũ khí gây quan ngại rằng các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều sẽ khó có thể sớm được nối lại như cam kết của hai nhà lãnh đạo trong cuộc gặp bất ngờ ngày 30/6 ở biên giới liên Triều.
Phía Hàn Quốc cho rằng các vũ khí trong hai vụ phóng thử mới mà Triều Tiên thực hiện ngày 25/7 và 31/7 vừa qua đều là tên lửa tầm ngắn. Triều Tiên tuyên bố nước này đã thử nghiệm vũ khí dẫn đường chiến thuật và một hệ thống tên lửa mới dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.