“Washington đang ngày càng lún sâu vào cuộc đối đầu với Nga, đồng thời sử dụng người Ukraine làm lực lượng ủy nhiệm. Họ gửi ngân sách và các lô vũ khí mới cho Kiev. Nhà Trắng rõ ràng không quan tâm đến sự sụt giảm nhanh chóng về mức độ ủng hộ cho chiến lược này trong xã hội Mỹ. Thay vào đó, họ hy vọng rằng cuộc xung đột sẽ tiếp diễn trong khoảng thời gian dài”, hãng thông tấn TASS dẫn tuyên bố của ông Antono trên kênh Telegram của Đại sứ quán Nga.
Nhà ngoại giao Nga cũng chỉ ra rằng Washington không rút ra kinh nghiệm từ những sai lầm của mình, tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, dù điều đó đã phải trả giá quá đắt cho cả hai bên liên quan đến cuộc xung đột.
Trước đó, Mỹ đã phân bổ cho Ukraine gói vũ khí và thiết bị quân sự mới trị giá 200 triệu USD. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết gói viện trợ đặc biệt bao gồm các tên lửa đánh chặn cho hệ thống phòng không Patriot, đạn cho bệ phóng tên lửa HIMARS, hệ thống tên lửa chống tăng TOW và Javelin, 37 máy kéo, đạn pháo cỡ nòng 155 và 105 mm, đạn xe tăng cỡ 120 ly, hơn 12 triệu viên đạn súng ngắn và lựu đạn, phụ tùng, linh kiện.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng nói rằng ông muốn Ukraine đánh bại Nga và đã cung cấp hàng tỷ USD vũ khí cho Kiev. Tuy nhiên, giới chức Mỹ đã tránh chuyển giao cho Ukraine các vũ khí tầm xa hơn, do không muốn châm ngòi cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Moskva.
Trong diễn biến liên quan, Ukraine cho biết họ đã được được một số “thành công” trong việc đẩy lùi lực lượng Nga ở một phần phía đông nam.
Hôm 14/8, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar nói rằng dù cuộc phản công bị cản trở bởi các bãi mìn và tuyến phòng thủ vững chắc của Nga, song quân đội Ukraine đã đạt bước tiến quanh làng Staromaiorske, cách khu vực Donetsk do Nga kiểm soát khoảng 97 km về phía tây nam, và đang gây sức ép trên hai mặt trận ở phía nam.
Theo bà Hanna, quân đội Ukraine đã giành lại được gần 3,2 km2 trong tuần qua xung quanh thành phố Bakhmut phía đông, nơi các lực lượng Nga và Ukraine đã giao tranh gần 18 tháng.