Theo hãng tin Reuters (Anh), bà Lyudmila Vorobieva - Đại sứ Nga tại Indonesia, nước hiện giữ ghế Chủ tịch luân phiên nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) - cho biết Tổng thống Putin dự định tới đảo Bali của Indonesia để dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới.
“Kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, bao gồm cả tình hình COVID-19, vốn đang trở nên khả quan hơn. Cho đến nay, ý định của Tổng thống Putin là điều mà ông ấy muốn”, Đại sứ Vorobieva phát biểu trong một cuộc họp báo.
Tuyên bố của bà Vorobieva dường như đã bác bỏ đề xuất của một số thành viên G20 rằng Nga có thể bị loại khỏi nhóm các nền kinh tế lớn.
Trước đó, các nguồn tin cho biết Mỹ và các đồng minh phương Tây đang cân nhắc khả năng loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vì chiến dịch quân sự của Moskva tại Ukraine. Tuy nhiên, bất kỳ nỗ lực nào nhằm loại Nga khỏi nhóm đều có thể bị các thành viên khác phủ quyết, như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia. Điều này có thể dẫn tới khả năng một số quốc gia sẽ không dự các cuộc họp G20.
Khi được hỏi về đề xuất Nga có thể bị loại khỏi G20, bà Vorobieva nhấn mạnh đây là một diễn đàn thảo luận về các vấn đề kinh tế, không phải về cuộc khủng hoảng như Ukraine. Bà nói: “Tất nhiên việc loại Nga khỏi loại diễn đàn này sẽ không giúp giải quyết những vấn đề kinh tế hiện nay. Ngược lại, nếu không có Nga, chúng ta rất khó làm được điều đó.”
Đại sứ Nga tại Indonesia cũng bày tỏ hy vọng rằng Chính phủ Indonesia sẽ không nhượng bộ trước áp lực lớn mà phương Tây đang áp đặt không chỉ với Jakarta mà còn rất nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Bộ Ngoại giao Indonesia từ chối yêu cầu bình luận về kêu gọi loại Nga khỏi G20.
Nga đang phải đối mặt làn sóng trừng phạt quốc tế do các nước phương Tây dẫn đầu nhằm cô lập nước này khỏi nền kinh tế toàn cầu. Một trong các lệnh trừng phạt bao gồm loại Moskva khỏi hệ thống tài chính toàn cầu (SWIFT) và hạn chế các giao dịch của ngân hàng trung ương.
Hôm 22/3, Ba Lan cho biết đã gợi ý với Mỹ về việc họ có thể trở thành nước thay thế Nga trong G20 và lời đề xuất này đã nhận được phản ứng tích cực từ Washington. Tuy nhiên, Mỹ nói chưa đưa ra quan điểm trên góc độ chính phủ về vấn đề ấy.
Vào tuần này, khi được hỏi liệu Tổng thống Joe Biden có định loại Nga ra khỏi G20 hay không, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết: “Chúng tôi tin rằng không thể coi như không có chuyện gì đã xảy ra với vị trí của Nga trong các tổ chức quốc tế và trong cộng đồng quốc tế”. Tuy nhiên, ông Sullivan nhấn mạnh Mỹ cần lên kế hoạch tham vấn với các đồng minh trước khi bất cứ quyết định nào được đưa ra.
Một nguồn tin của Liên minh châu Âu đã xác nhận các cuộc thảo luận về vị thế của Nga tại các cuộc họp G20. Nguồn tin cho biết: “Họ đã nói rất rõ với Indonesia rằng sự hiện diện của Nga tại các cuộc họp sắp tới sẽ là vấn đề lớn đối với các nước châu Âu”.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các thành viên G20 sẽ phải quyết định nhưng vấn đề này hiện không phải là điều cần được ưu tiên.
Hôm 21/3, Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia, Dody Budi Waluyo, cho biết quan điểm của Indonesia là một trong những trung lập và nước này sẽ sử dụng vai trò lãnh đạo G20 để cố gắng giải quyết các vấn đề. Tuy nhiên, Nga đã đưa ra cam kết mạnh mẽ tham dự hội nghị này và các thành viên khác không thể cấm họ thực hiện điều đó.