Theo hãng tin AP, đây là những nhà hoạt động người Mỹ được Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro mời đến trong bối cảnh Mỹ và 50 quốc gia khác công nhận thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaidó làm “Tổng thống lâm thời” của Venezuela.
Đại sứ quán Venezuela xây dựng tại khu Georgetown, thủ đô Washington đã trở thành một điểm nóng trong cuộc đối đầu giữa Tổng thống Maduro và ông Juan Guaido được Mỹ hậu thuẫn khi quốc gia Nam Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
Sau khi Đại sứ quán chính thức đóng cửa, các nhân viên ngoại giao rời đi thì những nhà hoạt động vẫn còn ở lại.
“Chúng tôi là những người giữ chỗ”, Medea Benjamin – người đồng sáng lập tổ chức Code Pink – trả lời phỏng vấn AP. Tổ chức này luôn bày tỏ sự ủng hộ Tổng thống Maduro - chính quyền được Liên hợp quốc công nhận - là nhà lãnh đạo hợp pháp của đất nước Venezuela. “Chúng tôi đang làm những việc mà một quốc gia khác thường làm, đó là giữ chỗ”.
Khi hai quốc gia không còn quan hệ ngoại giao, thông thường sẽ có một quốc gia trung lập thứ 3 tiếp quản nhiệm vụ ngoại giao tại đại sứ quán hoặc lãnh sự quán.
Video các nhà hoạt động trú trong Đại sứ quán Venezuela ở Washington (nguồn: RT):
Phản ứng trước tình trạng trên, chính quyền Tổng thống Trump cho biết các nhà hoạt động đang xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của Venezuela và cần phải rời đi. Gustavo Vecchio, người được Guaidó bổ nhiệm làm Đại sứ tại Washington, cho biết ông đã ký tất cả các tài liệu cần thiết và giờ đây chính quyền Mỹ toàn quyền quyết định phong tỏa tòa nhà.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Ngoại giao Mỹ - chịu trách nhiệm về an ninh tài sản ngoại giao – vẫn chưa dùng vũ lực buộc người biểu tình ra ngoài. Một quan chức của bộ cho biết họ tiếp tục phối hợp với Sở Mật vụ và các đối tác thực thi pháp luật liên bang và địa phương nhằm đảm bảo an ninh Đại sứ quán Venezuela.
Ngày 9/5, chính quyền Mỹ thông báo cắt điện tòa nhà. Bất chấp tình cảnh không có điện, các nhà hoạt động vẫn kiên quyết “cố thủ” không chịu rời đi. Trong một tuyên bố trên Twitter, một trong các nhà hoạt động - nhà báo độc lập Alex Rubinstein – khẳng định tình trạng bị cắt điện sẽ không buộc họ từ bỏ nhiệm vụ. "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho điều này”.
Trong một tháng trở lại đây, các nhà hoạt động tại Đại sứ quán Venezuela đã tiến hành chuỗi các sự kiện có tên Bảo vệ Đại sứ quán Venezuela, từ việc treo poster khổng lồ trải dài từ mái xuống đến việc tổ chức các buổi hội thảo, hòa nhạc, đọc thơ… trong khuôn viên.
Họ cũng biến đây thành ngôi nhà thứ 2 của mình. Ít nhất có 12 người được cho là ngủ qua đêm trong tòa nhà, thay phiên nhau sử dụng phòng tắm. Lối vào chính vẫn bị đóng, nhưng các nhà hoạt động ra vào qua một cửa phụ. Một số nhà hoạt động đi làm vào buổi sáng và trở về vào buổi tối.
Trong một chuyến thăm, phóng viên hãng tin AP nhìn thấy các nhà hoạt động làm việc qua máy tính, chuẩn bị các tấm biểu ngữ và cùng nhau chia sẻ đồ ăn trên một chiếc bàn lớn trong tòa nhà.
Khi Đại sứ Vecchio bắt đầu lên tiếng, các nhà hoạt động đặt một chiếc loa lớn ra ngoài cửa sổ, bắt đầu hát và hô vang khẩu hiệu, át đi tiếng la phản đối từ đám đông ủng hộ phe đối lập dựng lều ở ngoài. Cả hai bên đều cáo buộc nhau khó chịu, thô lỗ và thiếu tôn trọng.
Ngày 30/4 vừa qua, Chính phủ Venezuela đã đập tan cuộc đảo chính do thủ lĩnh đối lập Juan Guaido phát động với sự tham gia của một nhóm nhỏ các binh sĩ phản bội trong lực lượng phòng vệ quốc gia.
Chính quyền của Tổng thống Maduro cũng cáo buộc Mỹ có vai trò trong âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến nói trên nhằm thúc đẩy một cuộc nội chiến tại quốc gia Nam Mỹ này.