Trả lời phỏng vấn truyền thông nước ngoài ngày 18/8, ông Wanlop Rugsanoh khẳng định: “Ủy ban Đối thoại Hòa bình muốn tái khẳng định rằng, bất kể tình hình như thế nào, chúng tôi sẽ duy trì cam kết thúc đẩy các biện pháp hòa bình, theo chính sách của chính phủ, nhằm mang lại hòa bình và hòa hợp dân tộc lâu dài cho người dân tại khu vực này”.
Tuyên bố của người đứng đầu Ủy ban Đối thoại Hòa bình được đưa ra sau khi một loạt vụ tấn công bằng phóng hoả và bom tự chế nhằm vào 17 địa điểm ở 3 tỉnh cực Nam Thái Lan (Narathiwat, Pattani và Yala) diễn ra vào rạng sáng hôm 16/8. Các vụ đốt phá đã làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 7 người bị thương. Ngày 18/8, Nhóm ly khai Mặt trận Cách mạng Dân tộc (BRN) đã lên tiếng thừa nhận gây ra các vụ tấn công này.
Tướng Wanlop Rugsanoh lưu ý thêm rằng các cuộc tấn công gần đây sẽ không làm thay đổi các cuộc đàm phán, các cuộc đối thoại tiếp theo dự kiến vẫn sẽ được tổ chức trong vòng 1-2 tháng tới. Các đề xuất về thỏa thuận ngừng bắn với BRN vẫn sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc đối thoại sắp tới. Bên cạnh đó, ông Wanlop Rugsanoh cũng lên án các vụ tấn công và cho rằng những vụ việc như vậy ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nền kinh tế khu vực; đồng thời tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình và sự tin tưởng của mọi người vào tiến trình đối thoại hòa bình, vốn đang có nhiều tiến triển.
Trong khi đó, ông Srisompob Jitpiromsri, giảng viên tại trường Đại học Prince of Songkla đánh giá các cuộc tấn công bằng bom và chất gây cháy diễn ra trong tuần này là cuộc tấn công có phạm vi và quy mô lớn nhất trong vòng 5 năm qua. Theo ông Srisompob Jitpiromsri, BNR muốn gửi thông điệp cho Chính phủ Thái Lan rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra quá chậm.
Các vụ bạo lực bùng phát từ năm 2004 tại vùng cực Nam Thái Lan đã khiến hơn 7.000 người thiệt mạng và 13.500 người bị thương. Hồi đầu tháng 8, Chính phủ Thái Lan đã tiến hành vòng đàm phán hoà bình thứ 5 với BRN với sự trung gian của Chính phủ Malaysia trong nỗ lực ngừng bạo lực.