Đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra 'thân mật và thẳng thắn'

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross ngày 3/6 cho biết ông đã có các cuộc đàm phán thẳng thắn và hữu ích tại Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu.

Phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh, Bộ trưởng Thương mại Ross cho biết ông đã gặp Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong ngày 2/6, đánh giá "cho đến nay các cuộc gặp diễn ra thân mật và thẳng thắn, trao đổi một số vấn đề hữu ích về các mặt hàng xuất khẩu cụ thể". Phó Thủ tướng Lưu Hạc chỉ phát biểu chào mừng Bộ trưởng Thương mại Ross.
Cả hai quan chức trên đều không đưa ra bình luận nào khác với truyền thông.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross (giữa) rời khách sạn ở Bắc Kinh ngày 2/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đến Bắc Kinh ngày 2/6 để tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc lại đe dọa áp mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu từ Trung Quốc và các đồng minh chủ chốt của Mỹ. Phó Thủ tướng Lưu Hạc là trưởng đoàn đàm phán thương mại với Mỹ.

Phát biểu ngày 2/6 tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra tại thành phố Whistler của Canada, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh Washington mong muốn cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung cuối tuần này sẽ dẫn tới những thay đổi về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ mua thêm hàng hóa Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại hiện ở mức 375 tỷ USD.

Ông cũng cho biết cuộc đàm phán với Trung Quốc lần này không chỉ thảo luận vấn đề thuế nhôm và thép nhập khẩu, mà còn bao gồm các vấn đề khác, trong đó có mong muốn của Washington về việc Trung Quốc xóa bỏ những yêu cầu đối với liên doanh cũng như các chính sách khác của Bắc Kinh ép buộc chuyển giao công nghệ.

Dự kiến, phái đoàn đàm phán thương mại Mỹ do Bộ trưởng Ross dẫn đầu sẽ rời Bắc Kinh trong tối 3/6. Phái đoàn bao gồm Thứ trưởng Bộ Tài chính David Malpass, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Ted McKinney và Đại diện Thương mại Mỹ Gregg Doud, cùng một số quan chức và chuyên gia thuộc các bộ Thương mại, Tài chính, Nông nghiệp, Năng lượng.

Cuộc đàm phán này tiếp nối 2 vòng đàm phán diễn ra tại Bắc Kinh một tháng trước đây và tại Washington 2 tuần trước đây. Tại cuộc đàm phán ở Washington, 2 bên đã ra tuyên bố chung cam kết tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước, không đẩy căng thẳng đi xa thành một cuộc chiến thương mại sau khi đe dọa áp thuế đối với các hàng hóa của nhau.

Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã nóng trở lại sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 29/5 đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đồng thời có những bước đi khác nữa để hạn chế Bắc Kinh tiếp cận những công nghệ nhạy cảm của Mỹ.

Theo thông báo của Nhà Trắng, muộn nhất là ngày 15/6 tới, Mỹ sẽ công bố một danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ USD, có khả năng chịu mức thuế 25%, nếu Bắc Kinh không giải quyết được bất đồng về vấn đề sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc đã lập tức lên tiếng chỉ trích việc Mỹ tiếp tục theo đuổi các biện pháp hạn chế thương mại đối với nước này. Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng động thái này đi ngược lại sự đồng thuận mà hai bên đã đạt được sau các vòng tham vấn mới đây, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ bị cô lập tại hội nghị bộ trưởng tài chính G7
Mỹ bị cô lập tại hội nghị bộ trưởng tài chính G7

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra từ ngày 31/5- 2/6 tại thành phố Whistler thuộc tỉnh British Columbia của Canada, lãnh đạo tài chính của các nước đồng minh thân cận nhất với Mỹ đã chỉ trích việc Washington áp các mức thuế mới đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN