Thị trưởng Lampedusa, ông Filippo Mannino, xác nhận các nạn nhân xấu số gồm 5 nam và 3 nữ, trong đó một thai phụ. Vụ việc trên xảy ra vào cuối ngày 2/2. Lực lượng chức năng cũng đã giải cứu được 42 người.
Hãng thông tấn ANSA đưa tin hiện còn 2 trường hợp vẫn mất tích, trong khi những người may mắn sống sót đã được lực lượng bảo vệ bờ biển đưa tới cảng chính trên đảo Lampedusa.
Theo hãng tin Reuters (Anh), lực lượng chức năng cũng đã hộ tống 3 tàu gặp nạn khác, chở tổng cộng 156 người, tới đảo Lampedusa. Đảo này là một trong những điểm đến chính mà người di cư lựa chọn để tìm đường vào châu Âu.
Vụ việc mới nhất nói trên xảy ra trong bối cảnh Hội đồng châu Âu cho rằng Chính phủ Italy nên loại bỏ hoặc điều chỉnh sắc lệnh mới liên quan hoạt động giải cứu do các tàu từ thiện của các tổ chức phi chính phủ (NGO) thực hiện.
Italy đang đối mặt với tình trạng gia tăng số người vượt biển từ Bắc Phi tới nước này. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, khoảng 105.140 người di cư bằng đường biển đã tới quốc gia Nam Âu này trong năm ngoái, tăng mạnh so với mốc 67.477 người năm 2021 và tăng hơn 3 lần so với mức 34.154 người trong năm 2020. Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, gần 5.000 người di cư đã vào lãnh thổ Italy, tăng lần lượt so với mức 3.000 người trong tháng 1/2022 và mức 1.000 người tháng 1/2021. Liên hợp quốc ước tính gần 1.400 người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách vượt khu vực miền Trung Địa Trung Hải trong năm 2022. Các tàu từ thiện của các tổ chức NGO chỉ cứu được rất ít, khoảng 10%, trong tổng số người di cư cập bến Italy an toàn, trong khi khoảng 90% còn lại do lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc các tàu hải quân của Italy giải cứu. Tuy nhiên, Thủ tướng Giorgia Meloni cho rằng nỗ lực của các tàu từ thiện đang "tiếp tay" cho các đối tượng buôn người.