Theo tờ Dailymail, giới chức y tế Anh chỉ yêu cầu người dân xét nghiệm nếu họ có ba triệu chứng điển hình nhất của COVID-19 là sốt, ho liên tục và mất khứu giác/vị giác.
Tuy nhiên, 1 triệu dân ở khu vực thành phố Liverpool, Preston và Lancashire sẽ phải xét nghiệm nếu họ có nghi ngờ mình mắc bệnh, dù là nghi ngờ nhỏ nhất.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi có trên 40 ca mắc biến chủng mới của SARS-CoV-2 tại ba khu vực này. Các chuyên gia lo ngại biến chủng mới khiến vaccine kém hiệu quả.
Biến chủng Nam Phi và Brazil đã khiến Anh thắt chặt kiểm soát biên giới. Mặc dù các biến chủng không gây ra các triệu chứng khác lạ so với virus gốc nhưng giới chức đang bổ sung tiêu chí để lấy mẫu xét nghiệm nhằm tránh bỏ sót ca mắc nào.
Các triệu chứng COVID-19 trên diện rộng gồm khó thở, mệt, đau cơ/người, đau họng, nghẹt mũi/chảy nước mũi, buồn nôn/nôn.
Ông Matthew Ashton, Giám đốc cơ quan y tế công cộng ở Liverpool nói: “Chúng tôi lo ngại mọi người có thể không nghĩ họ mắc COVID-19 vì họ không có triệu chứng điển hình, do đó có thể vô ý lây bệnh cho người khác. Virus biến đổi liên tục nên cần phải nỗ lực gấp đôi để đi trước một bước. Chúng tôi biết một số người có các triệu chứng không điển hình đã dương tính với virus”.
Một diễn biến khiến khủng hoảng COVID-19 ở Anh thêm phức tạp là giới chức đã phát hiện 11 dòng của biến chủng Kent có đột biến, cho thấy biến chủng ở Anh cũng đang thay đổi.
Tiến sĩ Sakthi Karunanithi, Giám đốc y tế công cộng tại Hội đồng Hạt Lancashire, nói: “Việc bạn không có ba triệu chứng điển hình không quan trọng, ngay cả cơn đau đầu cũng là dấu hiệu bạn có thể mắc biến chủng này”. Ông Karunanithi cho rằng điều quan trọng là hiện không có bằng chứng cho thấy biến chủng này có thể khiến bệnh nhân ốm nặng hơn hoặc lây lan nhanh hơn.
Cách kiểm soát tốt nhất là tiếp tục tuân thủ quy định phong tỏa, tuân thủ biện pháp phòng dịch như rửa tay, đeo khẩu trang và giãn cách.
Biến chủng được phát hiện ở vùng tây bắc Anh ít gây lo ngại vì nó là phiên bản thay đổi của chủng gốc, nên ít lây lan hơn biến chủng Kent.
Họ lo hơn về biến chủng mới ở Bristol vì nó đặt ra mối đe dọa kép. Nó chính là biến chủng Kent nên dễ lây hơn và lại mang đột biến có thể khiến vaccine vô tác dụng.
Đợt xét nghiệm ở tây bắc Anh lần này khác với chiến dịch gõ cửa từng nhà để xét nghiệm người dân nhằm tìm biến chủng Nam Phi từ ngày 2/2.
Theo chiến dịch ngày 2/2, các nhóm chuyên gia Anh đã đi từng nhà để xét nghiệm 80.000 người ở các khu vực mà họ sợ là biến chủng này đang lây lan. Các nhà khoa học lo ngại biến chủng Nam Phi có thể khiến vaccine vô hiệu và nhấn mạnh rằng bất kỳ ai nghi ngờ mình bị nhiễm virus này cần tự cách ly ngay lập tức.
Tới nay, Cơ quan Y tế Công cộng Anh đã phát hiện 105 ca mắc biến thể Nam Phi có tên B.1.351 từ 22/12/2020, trong đó có ít nhất 11 người mắc virus này mà không ra nước ngoài. Điều này cho thấy có thể có hàng trăm ca mắc biến chủng này mà chưa được xác định.
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock kêu gọi người dân ở 8 khu vực bị ảnh hưởng ở nhà và rất cẩn trọng. Ông cho biết mục tiêu là tìm được mọi ca mắc biến chủng Nam Phi trong kế hoạch nước rút 2 tuần.
Hơn 80.000 người dân từ 16 tuổi trở lên sẽ phải làm xét nghiệm cho dù họ có triệu chứng COVID-19 hay không.
Ngoài việc gõ cửa từng nhà để lấy mẫu xét nghiệm, các đơn vị lấy mẫu di động sẽ được triển khai tới 8 khu vực. Người dân cũng có thể đặt bộ xét nghiệm tại nhà trên mạng để tự xét nghiệm.
Mục đích của đợt xét nghiệm này là nhằm cô lập những người tiếp xúc gần với 11 bệnh nhân nói trên.
Hiện chưa có bằng chứng cho thấy biến chủng Nam Phi khiến người mắc ốm nặng hơn và nghiên cứu ban đầu cho thấy vaccine hiện nay có thể bảo vệ cơ thể khỏi biến chủng này.