Theo hãng thông tấn AFP, lo lắng trước nền kinh tế sẽ bị tàn phá do đại dịch COVID-19, người tiêu dùng và các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã săn đón vàng, thứ được cho là có thể chống lại mọi sự biến động. Điều này đã đưa giá vàng tăng lên mức kỷ lục, với trên 2.000 USD/ounce vào tháng trước.
Nhu cầu mua tăng cao đã khiến việc khai thác vàng bất hợp pháp tại Indonesia bùng nổ mạnh mẽ. Thậm chí, nhiều người còn bất chấp mọi rủi ro bị bắt giữ, nhiễm độc thủy ngân hay bị bắn chết giữa các vụ đụng độ nguy hiểm.
Ông bố hai con Mustafa là một trong số hàng trăm người hàng ngày chơi trò “mèo vờn chuột” với các nhà chức trách tỉnh Papua. Họ liều lĩnh tìm vàng ở một con sông gần khu vực mỏ Grasberg, thuộc căn cứ Freeport của Mỹ, một trong những mỏ vàng lớn nhất thế giới.
Vào một ngày đẹp trời, ông Mustafa đã đãi được một gram vàng. Mustafa có thể bán lại số vàng này cho một thương nhân địa phương với giá khoảng 55 USD, một khoản tiền không hề nhỏ đối với người dân sinh sống tại một trong những vùng nghèo khó nhất Indonesia.
Ông Mustafa cho biết những người đào vàng tại đây không sử dụng thủy ngân, nhưng có rất nhiều mối nguy hiểm khác đang rình rập họ ở vùng đồi núi hiểm trở này. Bên cạnh nỗi sợ bị bắt giữ luôn thường trực, những phu vàng còn lo lắng bị mắc kẹt trong các cuộc giao tranh chết người giữa lực lượng an ninh và phiến quân nổi dậy. Công việc gian khổ này cũng khiến họ có nguy cơ mắc COVID-19 hoặc bị nhiễm trùng da do phải lội vào những vũng nước đầy chất thải từ các mỏ gần đó. Nhưng không có lựa chọn nào khác, họ rất cần tiền để nuôi gia đình
“Có nhiều người đến đây để đãi vàng hơn trong đại dịch COVID-19 vì giá vàng tăng vọt. Việc này rất mạo hiểm vì chúng tôi có thể bị lực lượng an ninh bắt giữ bất cứ lúc nào”, ông Mustafa nói. “Công việc này rất nguy hiểm cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi và một số người bạn của mình đã mắc bệnh ngoài da. Nhưng cảm ơn chúa, cho đến nay vẫn chưa có ai nhiễm virus”, ông Mustafa nói.
Tại Kalimantan, khu vực thuộc đảo Borneo của Indonesia, cảnh sát đã bắt giữ 400 thợ đào vàng với cáo buộc khai thác bất hợp pháp trong một khu bảo tồn. Họ có thể bị phạt tới 15 năm tù.
Sustyo Iriyono, Giám đốc bảo tồn và bảo vệ rừng thuộc Bộ Môi trường Indonesia, cho biết ở đây, mối nguy hiểm của thủy ngân đối với cả thợ mỏ và môi trường là rất nghiêm trọng.
“Các vụ bắt giữ gần đây ở Kalimantan cho thấy hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp đang diễn ra trên quy mô rất lớn. Giá vàng tăng cao trong thời kỳ đại dịch là tác nhân kích thích việc khai thác bất hợp pháp này. Người dân đang kiếm lợi nhuận bằng cách phá hủy môi trường. Chúng tôi đang cố gắng tìm ra giải pháp”, ông Iriyono nói và cho biết hoạt động khai thác bất hợp pháp đã tăng đột biến trên toàn quốc, bao gồm cả ở khu vực đảo Java đông dân cư và đảo Sumbawa xa xôi.
Nhà hoạt động môi trường Aiesh Rumbekwan cho biết "sự gia tăng lớn" trong hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp đã được thúc đẩy bởi những người tuyệt vọng để nuôi sống gia đình của họ trong nền kinh tế bị đại dịch tấn công. Trong khi đó, các khoản viện trợ của chính phủ chưa được chuyển đến nhiều vùng của quốc gia quần đảo rộng lớn này.
“Những người khai thác bất hợp pháp thường sử dụng thủy ngân để đẩy nhanh quá trình đãi vàng. Điều này sẽ gây hại cho môi trường và có thể dẫn đến một thảm họa sinh thái”, ông Aiesh Rumbekwan, một nhà hoạt động môi trường cho biết.
Indonesia đã cấm sử dụng thủy ngân đối với những người khai thác thủ công vào năm 2017. Nhưng kim loại nguy hiểm - có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây khuyết tật ở trẻ sơ sinh - vẫn có thể được mua ở chợ đen.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), sinh kế của ít nhất một triệu người Indonesia xuất phát từ nghề khai thác quy mô nhỏ. Bất chấp những hạn chế trong đại dịch, nhiều nhà khai thác không có giấy phép đã đưa rất nhiều người di cư trong nước đến các địa điểm khai thác tạm thời, nơi lâu nay rất dễ xảy ra tai nạn chết người, để khai thác vàng. Trong khi đó, ông Rumbekwan cho biết hiện vẫn “không có sự kiểm soát nào từ chính quyền”.