Theo báo cáo cập nhật ngày 5/11 trên trang web, Viện Serum Đan Mạch - cơ quan đối phó với các bệnh truyền nhiễm - phát hiện 214 người nhiễm các biến thể của coronavirus từ chồn kể từ tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, một chủng của virus khiến nhà chức trách Đan Mạch quyết định tiêu hủy toàn bộ số chồn trên cả nước, lại chỉ được phát hiện ở 12 người và 5 trang trại chăn nuôi chồn cho đến nay.
Trong một diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang phối hợp với các văn phòng khu vực để tìm cách thức đảm bảo an toàn sinh học cũng như ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan tại những nước chăn nuôi chồn.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), bà Maria van Kerkhove - nhà dịch tễ học đứng đầu bộ phận kỹ thuật của WHO, bày tỏ lo ngại trước tình trạng lây nhiễm virus nguy hiểm này từ động vật sang người, đồng thời cho biết nguy cơ lây nhiễm ở chồn cao hơn so với ở những động vật khác. Theo bà Maria van Kerkhove, Đan Mạch đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ ổ dịch mới bùng phát trong số các loài động vật.
Về phần mình, chuyên gia hàng đầu về tình trạng khẩn cấp của WHO, Mike Ryan cho biết các ngành chăn nuôi khác như lợn và gia cầm cũng thực hiện biện pháp "rất nghiêm ngặt" để ngăn virus lây từ loài này sang loài khác.
Ba Lan ghi nhận số ca tử vong cao chưa từng thấy
Bộ Y tế Ba Lan công bố thêm 445 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 6/11. Đây là số ca không qua khỏi trong một ngày cao nhất từ trước đến nay tại nước này. Trong khi đó, số ca mắc tại quốc gia Đông Âu này tăng thêm 27.086 ca, gần mức kỷ lục 27.143 ca ngày 5/11. Như vậy, Ba Lan xác nhận tổng cộng 493.765 ca mắc, trong đó có 7.287 ca tử vong.
Dịch bệnh tại Ba Lan diễn biến phức tạp trong bối cảnh hệ thống y tế nước này đang thiếu nhân viên, giường bệnh và trang thiết bị. Tính đến ngày 6/11, bệnh nhân COVID-19 đang sử dụng 19.479 giường bệnh và 1.703 máy thở, lần lượt trong tổng số 29.407 và 2.2 mà Ba Lan hiện có.