Ngày 28/4, Bộ Ngoại giao Đan Mạch thông báo quốc gia Bắc Âu này sẽ siết chặt các quy định đi lại đối với những người đến từ Ấn Độ. Lệnh này chính thức có hiệu lực từ ngày 29/4.
Bộ trên đã cập nhật hướng dẫn đi lại với Ấn Độ và nâng mức đánh giá nguy cơ từ "màu cam” lên “màu đỏ” - cấp độ cảnh báo cao nhất, đồng thời khuyến cáo người dân Đan Mạch hủy mọi kế hoạch tới quốc gia Nam Á, kể cả những chuyến đi công tác.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Đan Mạch nêu rõ quyết định này được đưa ra nhằm “hạn chế nguy cơ lây lan chủng B.1.617 - biến thể của virus SARS-CoV-2 tại Ấn Độ vào Đan Mạch”.
Theo các quy định hạn chế đi lại mới, những người nước ngoài từ Ấn Độ sẽ chỉ được phép nhập cảnh vào Đan Mạch vì mục đích rõ ràng. Chỉ có công dân Đan Mạch và những người đang cư trú tại quốc gia Bắc Âu này được phép nhập cảnh vào Đan Mạch từ Ấn Độ.
Trước Đan Mạch, một số quốc gia châu Âu khác gồm Anh, Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha đã áp đặt các quy định hạn chế đi lại đối với Ấn Độ.
Trong khi đó, nhiều nước tiếp tục hỗ trợ Ấn Độ, quốc gia đang có số ca mắc và tử vong theo ngày cao nhất thế giới.
Trang mạng Askanews.it của Italy ngày 28/4 dẫn lời Thủ tướng Mario Draghi cho biết nước này đã đề nghị hỗ trợ cho Ấn Độ hệ thống các thiết bị cùng một đội ngũ chuyên gia để sản xuất khí oxy cung cấp cho các bệnh viện. Đề nghị của Italy sẽ được thực hiện ngay sau khi được Cơ quan Bảo vệ dân sự châu Âu chấp thuận.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo trong thời gian tới, Mỹ sẽ gửi các loại trang thiết bị y tế có tổng trị giá hơn 100 triệu USD để hỗ trợ Ấn Độ đối phó với dịch bệnh nguy hiểm. Ngoài ra, chính quyền Mỹ cũng chuyển nguyên liệu sản xuất vaccine AstraZeneca của riêng nước này cho Ấn Độ để quốc gia Nam Á sản xuất hơn 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Bên cạnh đó, dự kiến, Mỹ cũng sẽ cung cấp cho Ấn Độ thuốc kháng virus Remdesivir với lô đầu tiên 20.000 liều.