Phát biểu khi tham dự Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Mette Frederiksen kêu gọi các quốc gia châu Âu khác làm nhiều hơn để giúp Ukraine trong cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh Kiev thiếu đạn dược trầm trọng.
"Bây giờ, họ đang yêu cầu chúng ta cung cấp đạn dược. Từ phía Đan Mạch, chúng tôi quyết định tặng toàn bộ pháo của nước mình. Tôi biết còn đạn dược trong các kho ở châu Âu. Đây không chỉ là vấn đề về sản xuất. Chúng ta có vũ khí, đạn dược, hệ thống phòng không không cần sử dụng đến trong lúc này. Chúng ta nên chuyển cho Ukraine”, bà Frederiksen kêu gọi.
Thông báo của Đan Mạch được công bố vào thời điểm lực lượng Ukraine rút khỏi thành phố trọng điểm phía Đông Avdiivka. Trước đó, theo Chuẩn tướng Ukraine Oleksandr Tarnavskyi, tình trạng thiếu đạn pháo đã buộc nước này phải thu hẹp một số hoạt động.
“Chúng tôi gặp vấn đề với đạn dược, đặc biệt là đạn thời hậu Xô Viết, loại 122 mm, 152 mm. Cho đến nay, vấn đề đã lan rộng ra toàn bộ chiến tuyến”, ông Tarnavskyi trả lời trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters hồi háng 12/2023.
Cũng trong hội nghị Munich, Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel cho biết nước này có thể cung cấp 800.000 quả đạn pháo, gồm nửa triệu quả đạn pháo 155 mm và 300.000 quả đạn pháo 122 mm, cho quân đội Ukraine.
Đan Mạch là một trong những nước ủng hộ chính cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cam kết viện trợ quân sự của quốc gia Bắc Âu này đã tăng thêm 3,5 tỷ euro kể từ tháng 11/2023, khiến nước này trở thành một trong những nhà tài trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine tính theo phần trăm GDP. Trước đó, Đan Mạch đã cam kết viện trợ quân sự 8,4 tỷ euro.
Khi gói viện trợ quan trọng trị giá 60 tỷ USD của Mỹ bị đình trệ tại Quốc hội, sự hỗ trợ của châu Âu ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với Ukraine. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu đã đồng ý gói viện trợ mới trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.