Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết kết quả nghiên cứu này vừa được đăng trên tạp chí khoa học uy tín The Lancet ngày 29/1, do một nhóm bác sĩ tại bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán – đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona – cùng với các nhà nghiên cứu tại Đại học Giao thông Thượng Hải và bệnh viện Ruijin ở Thượng Hải phối hợp thực hiện.
Phát hiện trên được cho là tương thích với những quan sát trước đây cho rằng đàn ông đang gặp vấn đề sức khỏe thì dễ bị chủng virus lạ này tấn công hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất dựa trên quy mô phân tích lớn hơn.
Điều này cũng là lời cảnh báo rằng việc xác định và điều trị sớm căn bệnh viêm phổi cấp này rất quan trọng sau khi nhiều bệnh nhân bị biến chứng và suy nội tạng.
Cụ thể, nhóm nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi và phân tích 99 bệnh nhân – bao gồm 67 đàn ông và 32 phụ nữ - nhập viện tại thành phố Vũ Hán trong khoảng thời gian từ ngày 1–20/1 vừa qua. Gần một nửa trong số bệnh nhân này bị lây nhiễm chéo, mặc dù giới chức y tế Trung Quốc mới chỉ xác nhận trường hợp lây từ người sang người vào ngày 21/1.
“Chúng tôi nhận thấy số lượng nam bệnh nhân nhiều hơn nữ bệnh nhân trong số 99 ca nhiễm 2019-nCoV. Virus Mers-CoV và Sars-CoV (cùng chủng virus Corona) trước đây cũng tấn công nam giới nhiều hơn nữ giới. Việc phụ nữ ít nhiễm virus hơn có thể do sự bảo vệ của nhiễm sắc thể X và hoóc-môn giới tính, đóng vai trò quan trọng trong khả năng thích nghi và miễn dịch tự nhiên”, bài nghiên cứu trên The Lancet có đoạn nêu rõ.
Đáng chú ý, phân nửa bệnh nhân trên cũng bị mắc các bệnh mãn tính khác như tim mạch và tiểu đường. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của 99 người bệnh trên có thể khoảng 11%. Trước đó, các bác sĩ ở cùng bệnh viện Jinyintan và các nhà khoa học Trung Quốc khác đã quan sát 41 bệnh nhân và đưa ra tỷ lệ tử vong ở mức 15%.
Nghiên cứu mới nhất cho thấy 49% bệnh nhân bị nhiễm chéo và từng tiếp xúc với chợ hải sản Huanan ở thành phố Vũ Hán – nơi được cho là nguồn gốc của dịch bệnh nguy hiểm chết người này. Đa số họ là người bán hàng và lao công tại chợ, hai người là khách mua hàng. Tuy nhiên, nghiên cứu trên không nêu rõ cách các bệnh nhân khác bị lây nhiễm.
Trước tình trạng lây lan nhanh chóng, tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp WHO tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona 2019-nCoV gây ra. Căn bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã khiến ít nhất 213 người tử vong và lây nhiễm cho gần 9.700 trường hợp.
Tình trạng khẩn cấp toàn cầu là công cụ ràng buộc về mặt pháp lý quốc tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, giám sát, kiểm soát và phản ứng. Đây là phương pháp nhằm tập hợp sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế về tài chính, thuốc men và hoạt động tại những vùng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. PHEIC lần đầu tiên được áp dụng tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1).
WHO từng hai lần từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu liên quan đến virus Corona mới. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.
PHEIC từng được áp dụng đối với những quốc gia như CH Congo, Guinea và Uganda trong hai lần bùng phát dịch bệnh Ebola, Brazil và một số quốc gia Mỹ Latinh khác do virus Zika, bệnh bại liệt ở Syria cùng Afghanista và cúm A H1N1 trong năm 2009 ở Mexico.