Báo cáo mới đây của UNFPA cho biết số người từ 60 tuổi trở lên ở Ấn Độ dự kiến tăng từ 149 triệu vào năm 2022 lên 347 triệu vào năm 2050. Nghiên cứu cho thấy đến năm 2046, người cao tuổi ở Ấn Độ sẽ đông hơn trẻ em từ 0 - 14 tuổi. Số lượng người từ 15 đến 59 tuổi sẽ suy giảm.
Quốc gia Nam Á này là quốc gia đông dân nhất thế giới và hiện có dân số trẻ lớn nhất với 65% người Ấn Độ dưới 35 tuổi.
Tuy nhiên, dự đoán từ cơ quan Liên hợp quốc cho thấy mặc dù tổng dân số Ấn Độ sẽ tăng 18% từ năm 2022 đến năm 2050, nhưng dân số già của nước này sẽ tăng 134% và những người từ 80 tuổi trở lên sẽ tăng 279% trong cùng thời gian trên.
UNFPA cho biết: “Đến năm 2050, cứ năm người ở Ấn Độ thì có một người là người già”.
Ấn Độ không hề lẻ bóng trong xu hướng già hóa dân số. Phần còn lại của thế giới cũng sẽ gặp phải những vấn đề tương tự.
UNFPA cho biết số người từ 60 tuổi trở lên trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng gấp đôi và đạt 2,1 tỷ người vào năm 2050.
Theo báo cáo, gia tăng về số lượng và tỷ lệ người cao tuổi sẽ được thấy rõ ở tất cả các khu vực trên thế giới. UNFPA đồng thời nhấn mạnh rằng các khu vực kém phát triển hơn sẽ chứng kiến tỷ lệ dân số cao tuổi tăng cao hơn một chút.
Những trở ngại sắp tới
Gia tăng dân số già ở Ấn Độ sẽ gây ra hàng loạt thách thức về kinh tế và văn hóa xã hội.
UNFPA nhấn mạnh rằng số lượng góa phụ sẽ gia tăng vì phụ nữ thường sống lâu hơn nam giới. Số lượng phụ nữ lớn tuổi so với số lượng nam giới lớn tuổi sẽ tăng dần theo độ tuổi từ 60 đến 80 tuổi và do đó, các chính sách và chương trình phải đặc biệt tập trung vào nhu cầu của những phụ nữ lớn tuổi này.
Nghiên cứu cho biết phụ nữ ở nông thôn Ấn Độ cũng sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với những người sống ở khu vực thành thị do họ phải đối mặt với sự cô lập, giao thông kém khiến việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác trở nên khó khăn, thu nhập không ổn định và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Báo cáo chỉ ra rằng phụ nữ góa chồng lớn tuổi thường sống một mình mà ít được hỗ trợ và cũng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
Báo cáo cho biết mức thu nhập ít ỏi hoặc bằng không, cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cũng sẽ đặt gánh nặng lớn lên dân số già của đất nước Nam Á này.
Theo ấn bản năm 2018 của Nghiên cứu Lão hóa ở Ấn Độ được trích dẫn trong báo cáo của UNFPA, 51% nam giới từ 60 tuổi trở lên từng đi làm, nhưng chỉ có 22% phụ nữ từng đi làm.
Tỷ lệ người cao tuổi ở khu vực nông thôn tham gia làm việc cũng cao hơn (40%) so với khu vực thành thị (25,6%).
Việc già đi có liên quan trực tiếp đến sự phụ thuộc về kinh tế do mất thu nhập cùng với chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên. UNFPA khẳng định khả năng tham gia ít vào nền kinh tế sẽ hạn chế khả năng tiếp cận lương hưu cố định, đồng thời làm tăng tình trạng bất ổn kinh tế.
Trong khi đó, tại quốc gia đông dân thứ hai thế giới là Trung Quốc, đến năm 2050, ước tính quốc gia này có khoảng 400 triệu dân ở độ tuổi từ 65 trở lên, tức gần một phần ba dân số.
Với việc tuổi thọ ngày càng tăng (trung bình là 78,2 tuổi vào năm 2021) nhờ sức khỏe nói chung của người dân được cải thiện cùng với yếu tố tỷ lệ sinh thấp (1,09 vào năm 2022), dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng. Để so sánh, Mỹ có tuổi thọ trung bình là 76,4 tuổi (2021) và tỷ lệ sinh là 1,66 (2021).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là quốc gia có thu nhập trung bình cao, nơi có số lượng đáng kể dân số dễ bị nghèo đói. Với dân số già đi nhanh chóng, chính phủ Trung Quốc nhận thấy quỹ lương hưu không đủ chi trả, còn hệ thống chăm sóc sức khỏe chưa thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc cho số lượng người cao tuổi ngày càng tăng.