Theo Bộ Y tế Nhật Bản, trong năm ngoái, dân số đất nước "Mặt trời mọc" đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 444.085 người so với số liệu được thống kê kể từ năm 1899. Số trẻ sinh ra giảm 27.6 em, trong khi số trường hợp tử vong tăng 22.085 lên 1.362.482 người. Tỷ lệ sinh con trung bình của một phụ nữ Nhật Bản vẫn duy trì trong khoảng 1,4 kể từ năm 2012 sau khi chạm mức thấp kỷ lục 1,26 vào năm 2005. Hiện độ tuổi trung bình sinh con đầu lòng của phụ nữ Nhật Bản ở khoảng 30,7 tuổi và số trẻ sơ sinh có mẹ trong độ tuổi từ 30 - 34 đã giảm hơn 10.000 trẻ.
Okinawa là địa phương duy nhất của Nhật Bản có số trẻ sơ sinh nhiều hơn số ca tử vong. Xét trên 47 tỉnh thành của Nhật Bản, Okinawa có tỷ lệ sinh cao nhất 1,89, tiếp theo là Shimane- 1,74 và Miyazaki- 1,72. Tỷ lệ sinh thấp nhất được ghi nhận tại Tokyo 1,2.
Trước "bài toán" khó về dân số hiện nay, một quan chức thuộc Bộ Y tế, lao động và phúc lợi của Nhật Bản khẳng định cơ quan này sẽ nhanh chóng triển khai chính sách hỗ trợ các bà mẹ muốn sinh và nuôi dưỡng con.
Theo một cuộc thăm dò mới đây, có 73,5% số người trong gần 3.000 người được hỏi cho biết họ cảm thấy khó khăn khi sinh và nuôi dưỡng con thứ 2. Trong khi đó, một cuộc khảo sát trực tuyến khác được thực hiện hồi cuối tháng 5 cho thấy có 82% số ý kiến cho biết yếu tố kinh tế ảnh hưởng tới quyết định sinh con thứ 2 của các gia đình Nhật Bản.
Cũng theo một cuộc khảo sát của chính phủ, số cặp đôi kết hôn trong năm 2018 cũng đã giảm 20.428 cặp so với năm trước đó, xuống còn 586.4 cặp. Độ tuổi kết hôn trung bình là khoảng 31,1 đối với nam giới và 29,4 đối với nữ giới. Số liệu này không thay đổi kể từ năm 2014.
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Nhật Bản, chiếm tới 27,4% tổng số trường hợp tử vong, trong khi các bệnh về tim mạch chiếm 15,3%. Số người qua đời vì các nguyên nhân tự nhiên chiếm 8%. Số ca tử tự ở Nhật Bản trong năm qua là 20.032, giảm 433 trường hợp so với năm trước đó.