Trong cuộc gặp với Tổng thống Hungary ngày 24/3, Tướng Ngụy Phượng Hòa lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lên Trung Quốc ngày 22/3 với cáo buộc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh Tướng Ngụy Phượng Hòa “đánh giá cao Hungary vì đã ủng hộ, lên tiếng thay cho Trung Quốc về một số vấn đề trọng tâm quan ngại của Bắc Kinh, bao gồm Tân Cương”.
Hungary là điểm dừng chân đầu tiên của ông Ngụy Phượng Hòa, tiếp đó, lãnh đạo Bộ Quốc phòng Trung Quốc dự kiến đến Hy Lạp, Bắc Macedonia và Serbia. Điểm đáng chú ý là trong 4 quốc gia này, chỉ có Serbia không phải thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh chuyến công du châu Âu của Tướng Ngụy Phượng Hòa nhằm “quảng bá tình hữu nghị truyền thống và hợp tác thực tiễn với Bộ Quốc phòng cùng quân đội 4 quốc gia châu Âu này đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững và lành mạnh mối quan hệ quân sự giữa các bên”.
Phát biểu tại cuộc họp các ngoại trưởng NATO trong tháng 3, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi các đồng minh châu Âu của Washington cùng hợp tác và hỗ trợ đề phòng trước các rủi ro từ Trung Quốc.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin cũng có kêu gọi tương tự khi tuyên bố với Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia thuộc NATO rằng Trung Quốc là thách thức với an ninh xuyên Đại Tây Dương. Trong một diễn biến khác, một số thành viên NATO như Anh, Pháp, Đức đã nhất trí cử chiếm hạm tham gia tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông.
Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Brussels bùng phát từ 22/3 khi EU trừng phạt một số thực thể và quan chức Trung Quốc về cáo buộc vi phạm nhân quyển. Trung Quốc cũng đáp trả bằng lệnh trừng phạt đối với một số nhà lập pháp châu Âu và một nhà nghiên cứu Đức.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping phân tích với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng chuyến công du của Tướng Ngụy Phượng Hòa nhằm gửi thông điệp rằng phát triển và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Trung Quốc không phải một mối đe dọa với NATO.
Theo ông Song Zhongping, Bắc Kinh với chủ trương tăng cường ngoại giao quân sự có thể gây khó cho NATO trong hình thành lực lượng chung đối trọng với Trung Quốc.
Ở thời điểm Mỹ cố gắng tái xây dựng liên minh với châu Âu, Trung Quốc cũng tìm cách kéo thêm về đối tác. Ngày 23/2, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp gỡ người đồng cấp Nga Sergey Lavrov tại thành phố Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây và thảo luận về “liên minh mới tái thiết NATO”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan, Wu Xinbo phân tích rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Lavrov bắt nguồn từ áp lực ngày càng tăng của Mỹ. Ông Wu Xinbo đánh giá: “Trước áp lực từ Mỹ, Nga và Trung Quốc đang xích lại gần nhau”.
Theo các nguồn tin từ nội bộ quân đội Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa là một nhà chiến lược với quan điểm và triết lý chính trị "nói ít làm nhiều”. Ông Ngụy Phượng Hòa được thăng lên hàm Thượng tướng ở tuổi 58, trở thành Thượng tướng trẻ tuổi nhất của Trung Quốc.
Sinh ra tại một gia đình thuần nông ở huyện Trì Bình thuộc tỉnh Sơn Đông vào năm 1954, ông Ngụy Phượng Hòa gia nhập Quân đoàn Pháo binh số 2 năm 1970, khi mới 16 tuổi. Hai năm sau, ông Ngụy Phượng Hòa được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 21 tuổi, ông Ngụy Phượng Hòa được cử đi học kỹ thuật tên lửa tại một trường kỹ thuật thuộc Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia. Sau đó, ông Ngụy Phượng Hòa được đào tạo tại cơ sở giảng dạy của Quân đoàn Pháo binh số 2 ở Vũ Hán để trở thành chỉ huy tên lửa chiến lược. Chỉ trong chưa đầy 2 thập niên, ông Ngụy Phượng Hòa đã được phong hàm Thượng tá vào năm 1994. Sau đó đến năm 2010, ông Ngụy Phượng Hòa trở thành cấp phó trẻ nhất tại Bộ Tổng tham mưu Trung Quốc ở tuổi 56.