Vào một buổi sáng mùa Hè ướt át, hàng chục chiếc buýt đổ tới bên ngoài một cụm tòa nhà thấp, màu xanh lam ở bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ. Từ trên xe, những người phụ nữ mặc sari (một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ) sặc sỡ bước xuống, đi qua những tấm áp phích hô khẩu hiệu: “Mục tiêu của chúng tôi, không tai nạn”.
Ca đêm tại nhà máy điện thoại di động của Tập đoàn Công nghệ Foxconn ở Sri City sắp kết thúc, và hàng ngàn phụ nữ trẻ đang ùa ra trong khi những người khác đến để thay thế họ. Một trong những cô gái đó là Jennifer Jayadas, 21 tuổi, sống cách nhà máy vài dặm trong một túp lều hai phòng, không có nước máy.
Sau khi ăn ngấu nghiến bữa sáng miễn phí bánh mì với cà ri khoai tây, Jayadas đội một chiếc mũ trắng, khoác áo tạp dề, đi giày chống tĩnh điện và đôi găng tay nhỏ xíu. Cô vào việc tại một khu thử nghiệm, nơi Jayadas sẽ trải qua 8 giờ tiếp theo làm nhiệm vụ đảm bảo âm lượng, độ rung và các tính năng khác của những chiếc điện thoại đều hoạt động tốt. “Điện thoại thông minh đã từng được sản xuất tất cả tại Trung Quốc. Bây giờ, chúng tôi làm việc cho họ ở đây”, cô nói.
Ấn Độ, một "Trung Quốc mới"
Foxconn, còn được biết đến với tên Công ty Công nghiệp Chính xác Hồng Hải, đã mở nhà máy đầu tiên ở Ấn Độ 4 năm trước. Hiện tại họ vận hành hai nhà máy lắp ráp, với kế hoạch mở rộng những nhà máy đó và mở thêm hai nhà máy nữa.
Ấn Độ đã trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng khi công ty có trụ sở tại Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động của mình ra ngoài Trung Quốc.
Tìm kiếm thành công ở Ấn Độ đã trở nên cấp bách hơn kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại vào năm ngoái và áp thuế lên hàng ngàn sản phẩm xuất xứ Trung Quốc, bao gồm cả thiết bị gia dụng mà Foxconn sản xuất cho Apple, Amazon và các hãng khác.
Vào cuối tháng 8, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho các công ty Mỹ bắt đầu rút khỏi Trung Quốc, viện dẫn luật an ninh quốc gia. Mặc dù ông đã rút lại yêu cầu đó hai ngày sau, nhưng nhiều công ty vẫn phải xem xét lại chi phí tất yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Một nguyên tắc kinh doanh tốt là không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, Josh Foulger, Giám đốc điều hành tại Ấn Độ của Foxconn, nói. “Chúng tôi phải tìm giải pháp thay thế khả thi và đáng tin cậy. Rõ ràng vị trí thay thế [Trung Quốc] phải cạnh tranh. Chúng tôi không thể đặt một nhà máy ở Mexico để sản xuất điện thoại di động”.
Foulger, 48 tuổi, lớn lên ở Chennai và theo học Đại học Texas ở Arlington, trước khi trở về Ấn Độ vào giữa những năm 2000 để thiết lập hoạt động sản xuất cho Nokia. Ông gia nhập Foxconn bốn năm trước, giúp người sáng lập Terry Gou mở các nhà máy lắp ráp ở Ấn Độ, hiện là thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới.
Cơ sở tại Ấn Độ đầu tiên của Foxconn đi vào hoạt động từ vào năm 2015 tại Sri City, một đặc khu kinh tế nơi hàng hóa có thể được nhập và xuất khẩu với ít hạn chế và các công ty nước ngoài sản xuất đủ loại sản phẩm, từ tã giấy đến tàu hoả.
Nhà máy của Foxconn sử dụng gần 15.000 công nhân, khoảng 90% trong số họ là phụ nữ, lắp ráp điện thoại cho các nhà sản xuất khác nhau, như Apple, Xiaomi... Trong những tháng gần đây, các công nhân đã bắt đầu thử nghiệm và lắp ráp iPhone X của Apple, sản phẩm sẽ được bán ở Ấn Độ trước, sau đó được xuất khẩu.
Ông Foulger đặt mục tiêu chiếm lĩnh 1/3 thị trường điện thoại thông minh trong nước và 10% của thị trường toàn cầu (so với 2,5% hiện tại). Ngoài ra, ông dự định sẽ sản xuất thêm các sản phẩm khác, bao gồm cả loa Amazon Echo “Cho đến bây giờ, Ấn Độ đã sản xuất cho Ấn Độ. Sẽ sớm thôi Ấn Độ sẽ sản xuất cho thế giới”, ông nói.
Ngồi trong một văn phòng nhìn ra trung tâm của nhà máy Sriperumbudur, vị Giám đốc điều hành chỉ ra những ưu điểm của Ấn Độ: chi phí lao động chỉ bằng một nửa Trung Quốc, một đội ngũ công nhân bao gồm các kỹ sư tài năng, một chính phủ mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp.
Họ còn có một đối tác trung thành là Thủ tướng Narendra Modi, người đang chịu áp lực phải giảm tỷ lệ thất nghiệp đang vượt quá 6%. Chính sách “Make in India” của ông Modi đã trải qua 4 năm với mục tiêu biến Ấn Độ thành cường quốc sản xuất bằng cách khuyến khích các công ty nước ngoài mở nhà máy.
Kế hoạch này đặt mục tiêu mở rộng sản xuất điện thoại của Ấn Độ từ chỗ có doanh thu 25 tỷ USD/năm lên 400 tỷ USD vào năm 2024.
Từ "Made in China" đến "Make in India"
Nhưng đó là một chặng đường dài: 700.000 việc làm ngành sản xuất điện tử đã được tạo ra kể từ khi chính sách “Make in India” được khởi xướng. Các lao động lành nghề như các nhà thiết kế công nghiệp hiện còn thiếu, và vẫn chưa có nhiều mạng lưới nhà cung cấp các bộ phận quan trọng như pin, chất bán dẫn hay bộ vi xử lý. Nhưng mọi thứ đang bắt đầu vào vị trí. Ấn Độ có thể tăng cường năng lực sản xuất và giúp thế giới cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Foxconn là một phần không thể thiếu trong cuộc chuyển mình của Trung Quốc trở thành một công xưởng sản xuất của thế giới và Foulger đã nói với Thủ tướng Modi rằng Foxconn có thể giúp Ấn Độ làm điều tương tự.
Nhưng Trung Quốc phải mất 30 năm để đến đó. Lợi thế của Trung Quốc là đội ngũ lao động khổng lồ có thể sản xuất ra hàng hoá rẻ và họ đã xây dựng được điều đó bằng cách đầu tư mạnh vào hậu cần và vận tải - Andrew Polk, một đối tác sáng lập của Trivium China, công ty nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, nói. “Ngay cả khi lợi thế nguồn lao động rẻ của họ đang mất dần, Trung Quốc đã đầu tư vào các quy trình và hệ thống để họ có thể sản xuất hiệu quả ở quy mô lớn và đưa hàng hóa ra thị trường”.
Để bắt kịp điều đó sẽ đòi hỏi Chính phủ Ấn Độ và khu vực tư nhân đầu tư mạnh vào đường xá, đường sắt, cảng và các cơ sở hạ tầng khác.
Khi Trung Quốc làm điều đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị phân mảnh và không có một “Trung Quốc” nào khác”, ông Polk nói. “Trong khi đó Ấn Độ sẽ không chỉ phải làm cho đúng mà còn phải tốt hơn Trung Quốc, và chiến tranh thương mại chỉ có thể hỗ trợ họ bên lề”.