Động thái này tiếp tục khiến dư luận đặt dấu hỏi về số lượng binh sĩ chính xác sẽ được triển khai tới khu vực biên giới cũng như ẩn ý đằng sau quyết định trên.
Phát biểu trước báo giới tại Lầu Năm Góc, Tướng Terrence O’Shaughnessy, Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Bắc của Mỹ, cho biết số lượng binh sĩ chính xác được điều động hiện nay là 5.239 người song con số này sẽ tăng lên.
Theo ông O’Shaughnessy, con số cụ thể cuối cùng chưa được ấn định, và có thể sẽ thay đổi bởi Lầu Năm Góc còn cần “cân nhắc yêu cầu” của Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP). Chi phí dành cho hoạt động triển khai này cũng chưa được công bố.
Ông O’Shaughnessy nói: “Điều duy nhất tôi có thể khẳng định là lực lượng bổ sung chắc chắn sẽ hơn 5.239 người, song tôi chưa thể đưa ra số liệu cụ thể”.
Trước đó một ngày, Tướng O’Shaughnessy đã thông báo quân đội Mỹ sẽ điều động hơn 5.200 binh sĩ đến các bang Texas, California và Arizona như một phần trong cái gọi là "Chiến dịch yêu nước trung thành" (Operation Faithful Patriot), nhấn mạnh đây mới chỉ là sự “khởi đầu của chiến dịch”.
Riêng đối với bang Texas, quan chức này cho biết khoảng 1.800 binh sĩ từ 7 căn cứ khác nhau sẽ tới đây trong vài ngày tới, trong đó 870 binh sĩ sẽ đảm nhiệm vai trò chỉ huy và kiểm soát.
Trong khi đó, trang tin news.com.au của Australia có thông tin cho biết giới chức Mỹ sẽ dựng thêm khoảng 241 km hàng rào dây thép gai và điều động máy bay trực thăng trang bị cảm biến công nghệ cao để ngăn những người di cư tìm cách vượt qua biên giới.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu Lầu Năm Góc tăng cường triển khai lực lượng để đối phó với làn sóng di cư từ Trung Mỹ mà ông gọi là “mối đe dọa” đối với an ninh quốc gia, cho rằng nhiều kẻ khủng bố Trung Đông đã trà trộn vào những nhóm người này.
Trong khi đó, Tướng O'Shaughnessy chỉ nói rằng "Chiến dịch yêu nước trung thành" được triển khai để “bảo vệ biên giới”. Ông cho biết Lầu Năm Góc nhận thấy đoàn người di cư này “khác với những gì chúng tôi từng chứng kiến trước đây” bởi họ là một “nhóm người có tổ chức ở cấp cao hơn hẳn”, song không cho biết thêm chi tiết.
Bên cạnh những câu hỏi về chi phí và số lượng binh sĩ cụ thể được điều động, nhiều người vẫn băn khoăn vì sao chính quyền Tổng thống Donald Trump lại đưa các lực lượng tại ngũ tới khu vực biên giới. Tờ the Hill (Mỹ) cho rằng theo Luật về Lực lượng Vũ trang, quân đội liên bang bị cấm tham gia các hoạt động triển khai quân trong nước.
Lý giải về hoạt động này, Tướng O'Shaughnessy cho biết lực lượng bổ sung chỉ đóng vai trò hỗ trợ CBP tại khu vực biên giới và không tham gia các hoạt động của lực lượng hành pháp dù vẫn được trang bị vũ khí. Ông nói rằng "người của CBP mới là những người trực tiếp xử lý các vấn đề liên quan đến người nhập cư”, song thừa nhận có thể xảy ra va chạm giữa quân đội, người di cư và các nhân sự trong khu vực. Tuy nhiên, quan chức này khẳng định sẽ đảm bảo các binh sĩ, lính thủy đánh bộ được huấn luyện đầy đủ để đề phòng các tình huống có thể nảy sinh.
Trong khi đó, trang pbs.org cho rằng số binh sĩ triển khai tại biên giới sẽ bị giới hạn hoạt động bởi luật pháp liên bang. Điều này có nghĩa quân đội không được phép bắt giữ người di cư, tịch thu thuốc phiện từ những kẻ buôn lậu hay trực tiếp tham gia vào việc ngăn chặn dòng người di cư.
Vai trò của lực lượng này về cơ bản giống với lực lượng quân cảnh được triển khai tại vùng biên 6 tháng trước, hiện ước tính vào khoảng 2.000 người, với các nhiệm vụ như cung cấp trực thăng hỗ trợ các nhiệm vụ tại biên giới, thiết lập các hàng rào kiên cố, sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện.
Đánh giá về động thái điều động binh sĩ đến biên giới của Chính quyền Washington, ông Gil Kerlikowske, ủy viên CBP giai đoạn 2014-2017, cho rằng quân đội không thể ngăn những người xin tị nạn đang tiến tới khu vực biên giới, và thực chất CBP cũng không phải đối mặt với thách thức nào trong việc ngăn chặn những người vượt biên trái phép. Ông cho rằng đây là "một hành động vì mục đích chính trị và phí phạm nguồn lực quân sự cũng như lãng phí tiền thuế", và vì thế có thể xem như là "một sai lầm lớn".
Trên thực tế, một đoàn người di cư Trung Mỹ gồm khoảng 4.000 người cùng một nhóm nhỏ khác khoảng vài trăm người hiện vẫn còn cách biên giới Mỹ - Mexico tới 1.600 km và ước tính đoàn người này sẽ còn mất tới vài tuần, nếu không nói là vài tháng, mới tới được biên giới. Số người này thậm chí còn đang thu hẹp dần do một số người đệ đơn xin bảo trợ tại Mexico hoặc được Chính phủ Mexico điều xe tới để đưa về nước.
Nhiều nhà quan sát cho rằng số lượng những người di cư sẽ còn tiếp tục giảm. Đầu năm nay, một đoàn người di cư tới cửa khẩu Tijuana - San Diego chỉ vào khoảng vài trăm người.
Bên cạnh đó, bất chấp những tuyên bố đáng lo ngại của Washington, thực chất số người di cư tìm đến biên giới đã giảm đáng kể so với những năm trước đó. Số lượng các vụ bắt giữ mà CBP báo cáo trong năm nay chỉ bằng 1/4 con số 2.000 vụ trong thời gian cao điểm, trong khi số lượng nhân sự thời điểm này đã cao gấp đôi.
Tương tự, hãng BBC (Anh) cũng đặt dấu hỏi về mức độ gấp gáp của việc triển khai hơn 5.000 binh sĩ Mỹ tới biên giới với Mexico. Theo BBC, trong khi còn phải hàng tháng nữa đoàn người di cư mới tới được biên giới, thông điệp trong tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cho thấy ông chủ Nhà Trắng "đang tìm cách vẽ nên bức tranh người tị nạn như một mối de dọa quốc gia mà chỉ riêng ông là sẵn sàng đương đầu".
Trong bối cảnh người nhập cư không phải là mối quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, BBC cho rằng có thể người đứng đầu Nhà Trắng muốn ghi thêm điểm chính trị khi thời gian tới cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm không còn nhiều.