Đằng sau làn sóng ‘tội phạm tóc bạc’ tại Nhật Bản

Cảnh sát Nhật Bản đang chứng kiến một sự gia tăng về số lượng người cao tuổi phạm tội, mặc dù trước đó quốc gia này ghi nhận tỷ lệ phạm tội thấp nhất trong 17 năm qua.

Chú thích ảnh
Một cặp đôi lớn tuổi đi trên một con phố tại Asakusa (Tokyo). Ảnh: EPA

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), “làn sóng tội phạm tóc bạc” âm ỉ nhiều năm qua ở Nhật Bản đã khiến các chuyên gia và giới chức trách lo ngại, khi dữ liệu của cảnh sát cho thấy sự gia tăng đột biến trong các vụ trộm cắp do những người cao tuổi thực hiện. Phần lớn các đối tượng là phụ nữ và thường xuyên tái phạm.

Số liệu thống kê và xu hướng tội phạm được Bộ Tư pháp công bố trong Sách trắng hàng năm ngày 24/11 chỉ ra mặc dù số vụ bắt giữ ở Nhật Bản đã giảm đều trong 17 năm qua nhưng xu hướng người già phạm pháp lại gia tăng một cách đáng kể.

Năm ngoái, Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 748.559 trường hợp phạm tội, thấp nhất kể từ năm 1945.

Trong số đó gần một nửa là các vụ trộm cắp và 70% người bị bắt giữ là những cụ ông, cụ bà trên 70 tuổi. Trong số 42.463 người cao tuổi bị bắt giữ, 1/3 là các cụ bà trên 65, và cứ 10 người thì có 9 người bị bắt vì tội trộm cắp.

Shinichi Ishizuka - Giáo sư luật kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học tại Đại học Ryukoku ở Kyoto – chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến số lượng tội phạm ngày càng tăng tại những người về hưu.

“Nhiều trường hợp là người già, vợ hoặc chồng mất nên họ sống một mình trong khi con cái dọn ra ở riêng, lập gia đình, sinh con và xây dựng cuộc sống nên ít gặp gỡ. Vì vậy, nói một cách khác, họ từng có cuộc sống bận rộn và mãn nguyện, nhưng đột nhiên họ không còn gì để khiến họ bận rộn nữa. Họ bị cô lập, trầm cảm và đối với một số người, việc phạm tội là một cách để thu hút sự chú ý”, Giáo sư Shinichi giải thích.

Câu trả lời này dường như cũng là lời lý giải hợp lý cho số liệu 48,8% số người bị bắt giữ là đối tượng tái phạm thường xuyên.

Bên cạnh đó, một động cơ khác khiến những người cao tuổi phải phạm tội là do họ muốn có tiền hoặc thức ăn để sống sót qua ngày. Đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến cho nhiều người nghỉ hưu – những đối tượng hay làm các công việc bán thời gian để kiếm thêm chút tiền sinh hoạt – nhận ra cơ hội làm việc ngày càng ít.

Cuối tháng 9, cảnh sát tại tỉnh Yokohama đã bắt giữ một người đàn ông 77 tuổi nghi ngờ lấy trộm 1.500 yên (khoảng 340.000 đồng) từ một thùng từ thiện tại một đền thờ địa phương. Người đàn ông này không có địa chỉ nhà ở cố định và thất nghiệp. Trước khi bị bắt, ông cũng thực hiện hành vi tương tự và khai nhận bắt đầu từ mùa Hè năm nay.

Tại Nhật Bản – một quốc gia với dân số 126 triệu người, hơn 1/4 trong số đó là người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 1/3 tính đến năm 2050.

Trong một nỗ lực để tìm ra nguyên nhân và ngăn chặn làn sóng “tội phạm tóc bạc” trong tương lai, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã khởi động một dự án nghiên cứu, trong khi sở cảnh sát ở những khu vực có số lượng tội phạm lớn do người cao tuổi gây ra cũng tiến hành khảo sát những người bị bắt giữ. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có chiến dịch toàn diện nào giải quyết triệt để vấn đề này.

Đề cập đến tỷ lệ tội phạm thấp, Giáo sư Shinichi giải thích trong nỗ lực để giảm tỷ lệ giam giữ, năm 2005, Nhật Bản đã thay đổi hình thức xử phạt, bao gồm cảnh cáo và tạm giam nếu như có hành vi trộm cắp từ 1 đến 3 lần. Chỉ đến khi phạm tội lần thứ 5 hoặc 6, tội danh mới được công khai và tội phạm sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm.

Theo luật trước đó của Nhật Bản, hành vi trộm cắp có thể bị phạt tới 10 năm tù giam và khoản tiền phạt 500.000 yên (111 triệu đồng).

Bảo Hà/Báo Tin tức
Người cao tuổi Trung Quốc chuộng mua sắm trực tuyến
Người cao tuổi Trung Quốc chuộng mua sắm trực tuyến

“Tôi đặc biệt thích mua váy trên mạng. Tôi đủ váy để mặc mỗi ngày một chiếc suốt cả tháng”, bà Yang Ha’na, 81 tuổi, sống tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc cho biết. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN