“Chúng ta sẽ phải đảm bảo chúng ta có năng lực để ngăn chặn nếu nước Nga gây hấn”, Đài Sputnik dẫn lời Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison phát biểu trước báo giới ngày 2/4. Bà tuyên bố một “hành lang đặc biệt” được thiết kế nhằm “đảm bảo các tàu Ukraine di chuyển an toàn” qua Eo biển Kerch – dòng hải lưu hẹp nối giữa Biển Đen và Biển Azov.
Eo biển này đã trở thành điểm nóng diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng vào tháng 11 năm ngoái, khi tàu hải quân Ukraine bị cáo buộc xâm phạm biên giới trên biển của Nga. Moskva buộc phải dùng vũ lực và bắt giữ các thủy thủ trên tàu, gọi đó là hành động khiêu khích mà động cơ xuất phát từ cuộc bầu cử Ukraine. Sau đó, Kiev liên tục đe dọa điều động thêm nhiều tàu tới khu vực.
Sự thực NATO quyết định chơi lá bài Eo biển Kerch ám chỉ “tổ chức này gián tiếp tham gia vào chiến dịch của Tổng thống Petro Poroshenko trong vòng 2 cuộc chạy đua bầu cử tổng thống tại Ukraine”, Konstantin Kosachev – người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện Nga) – chia sẻ nhận định trên tài khoản Facebook.
Tổng thống Poroshenko cần một vài hành động gây sự chú ý để duy trì quyền lực thêm một nhiệm kỳ nữa, đặc biệt là sau khi để thua trước ứng viên Volodymyr Zelensky trong vòng 1 bầu cử diễn ra cuối tuần trước.
“Kiev và ứng viên Poroshenko bản thân không hề cần một hành lang an toàn đi qua Eo biển Kerch, họ chỉ muốn xuất hiện hành động khiêu khích làm leo thang căng thẳng” để củng cố niềm tin cho những người bầu chọn cho ông, Thượng nghị sĩ Kosachev lý giải.
Nghị sĩ Nga cho rằng tuyên bố của NATO là “vô trách nhiệm’, khẳng định việc tăng cường hiện diện quân sự của tổ chức này tại Biển Đen “sẽ không củng cố an ninh, mà thay vào đó trở thành thách thức trong khu vực”.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích dự đoán tuyên bố của Đại sứ Hutchison chỉ là “võ mồm” và sẽ không có bất kỳ hành động thực tiễn nào. “Sẽ không có cái gì giống vậy xảy ra, vì một khi NATO quyết định hành động, điều đó có nghĩa là tổ chức này muốn đối đầu quân sự với Nga”, Konstantin Sivkov – chuyên gia quân sự đồng thời là một sĩ quan Hải quân nghỉ hưu – nhận định.
Trong khi đó, nhà sử học Vladimir Kornilov lại chỉ rằng lời hứa của NATO là không cần thiết và cho thấy sự thiếu hiểu biết về Công ước Montreux 1936 liên quan tới hoạt động của các tàu hải quân ở Biển Đen. Theo ông, tàu dân sự Ukraine hoàn toàn có quyền đi qua Eo biển Kerch theo như một thỏa thuận mà Ukraine và Nga đã ký kết. Tàu quân sự cũng hoàn toàn có thể đi qua eo biển này, vấn đề là họ cần phải thông báo trước cho giới chức quản lý cảng của Nga.
Chuyên gia Konstantin Sokolov thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Nga bày tỏ lo ngại Công ước Montreux có thể bị sửa đổi để “tạo căng thẳng” trên Biển Đen. “Họ có thể thay đôi công ước với kết quả đa số bỏ phiếu”, vì “ngoại trừ Nga, tất cả các bên ký trong công ước này đều thuộc phe NATO”.