Thỏa thuận phức tạp - được đưa ra sau nhiều tháng đàm phán gián tiếp giữa các quan chức Mỹ và Iran - đã được công bố vào ngày 10/8 khi Iran chuyển bốn trong số năm người Mỹ từ nhà tù sang quản thúc tại gia. Người Mỹ thứ năm vốn dĩ bị quản thúc tại gia.
Chi tiết về việc chuyển tiền, thời gian hoàn thành và việc phóng thích cuối cùng cho cả tù nhân Mỹ và Iran vẫn chưa được công bố rõ ràng. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và Iran cho biết họ tin rằng thỏa thuận có thể hoàn tất trong khoảng giữa đến cuối tháng 9.
Theo thỏa thuận dự kiến, Mỹ đã cho phép Hàn Quốc chuyển đổi các tài sản bị đóng băng của Iran đang được giữ tại Hàn Quốc từ đồng won sang euro.
Số tiền đó sau đó sẽ được gửi đến Qatar, là trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán. Số tiền đang được Seoul giữ có thể vào khoảng từ 6 tỷ USD đến 7 tỷ USD, tùy thuộc vào tỷ giá hối đoái. Số tiền này thực chất là số tiền Hàn Quốc nợ Iran nhưng chưa trả cho số dầu đã mua trước khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lệnh trừng phạt đối với các giao dịch như vậy vào năm 2019.
Mỹ khẳng định rằng, một khi đến Qatar, số tiền này sẽ được giữ trong các tài khoản bị hạn chế và sẽ chỉ có thể được sử dụng cho các hàng hóa nhân đạo, chẳng hạn như thuốc men và thực phẩm. Những giao dịch đó hiện được cho phép theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào quốc gia Cộng hòa Hồi giáo về chương trình hạt nhân đang phát triển của nước này.
Một số người ở Iran đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ, nói rằng Tehran sẽ có toàn quyền kiểm soát các khoản tiền. Qatar chưa đưa ra bất kỳ bình luận công khai về cách họ sẽ giám sát việc giải ngân tiền.
Đổi lại, Iran sẽ trả tự do cho 5 người Mỹ gốc Iran đang bị giam giữ ở nước này. Hiện tại, họ đang được bảo vệ tại một khách sạn ở Tehran.
Iran không muốn các tài sản bị đóng băng bằng đồng won của Hàn Quốc, đồng tiền ít chuyển đổi hơn so với euro hoặc USD. Các quan chức Mỹ nói rằng trong khi Hàn Quốc đồng ý với việc chuyển tiền, họ lo ngại rằng việc chuyển đổi 6 hoặc 7 tỷ USD từ won sang các loại tiền tệ khác cùng một lúc sẽ ảnh hưởng xấu đến tỷ giá hối đoái và nền kinh tế của nước này.
Do đó, Hàn Quốc đang tiến hành một cách chậm rãi, chuyển đổi một lượng nhỏ tài sản bị phong tỏa để cuối cùng chuyển đến ngân hàng trung ương ở Qatar. Ngoài ra, khi tiền được chuyển, giao dịch phải tránh chạm vào hệ thống tài chính của Mỹ để không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Vì vậy, Hàn Quốc cần sắp xếp một loạt chuyển khoản phức tạp và tốn thời gian thông qua các ngân hàng của nước thứ ba.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết: “Chúng tôi đã làm việc với người Hàn Quốc về vấn đề này và không có trở ngại nào đối với việc chuyển tài khoản từ Hàn Quốc sang Qatar”.
Tại Doha, Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed Abdulaziz al-Khulaifi cho biết: “Những gì chúng tôi đạt được trong thỏa thuận này phản ánh niềm tin của các bên đối với Nhà nước Qatar với tư cách là một nhà hòa giải trung lập và đối tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình”.
Danh tính của ba trong số năm tù nhân đã được công khai. Hiện vẫn chưa rõ hai người còn lại là ai. Chính phủ Mỹ muốn giữ kín danh tính và Iran cũng không nêu tên họ.
Ba người được biết đến là Siamak Namazi, người đã bị giam giữ vào năm 2015 và sau đó bị kết án 10 năm tù vì tội gián điệp bị quốc tế chỉ trích. Một người khác là Emad Sharghi, một nhà đầu tư mạo hiểm đang thụ án 10 năm. Người thứ ba là Morad Tahbaz, một nhà bảo tồn người Mỹ gốc Iran bị bắt vào năm 2018 và cũng nhận bản án 10 năm.
Đối với Iran, nhiều năm lệnh trừng phạt của Mỹ sau khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc thế giới đã phá hủy nền kinh tế vốn đã yếu ớt của nước này.
Những tuyên bố trước đây về tiến triển trong các cuộc đàm phán về tài sản bị đóng băng chỉ mang lại những động lực ngắn hạn cho đồng tiền rial đang gặp khó khăn của Iran.
Việc giải phóng số tiền bị đóng băng, ngay cả khi chỉ được giải ngân trong những trường hợp nghiêm ngặt, có thể mang lại sự thúc đẩy kinh tế.
Đối với Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nỗ lực đưa Iran trở lại thỏa thuận vốn đã đổ vỡ vào năm 2018. Năm ngoái, các quốc gia tham gia vào thỏa thuận ban đầu đã đề xuất với Tehran những gì được mô tả là lộ trình cuối cùng, tốt nhất của họ để khôi phục thỏa thuận. Iran vẫn chưa chấp nhận.
Theo giới quan sát, thoả thuận trao đổi tù nhân trên không được coi là dấu hiệu cho thấy căng thẳng Mỹ-Iran đang giảm nhiệt. Ngoài những căng thẳng về thỏa thuận hạt nhân và tham vọng hạt nhân của Iran, một loạt các cuộc tấn công và bắt giữ tàu ở Trung Đông đã được quy cho Tehran kể từ năm 2019. Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch đưa quân đội Mỹ lên tàu để bảo vệ các tàu thương mại ở Eo biển Hormuz, nơi 20% tổng số chuyến hàng dầu đi qua Vịnh Ba Tư. Mỹ cũng đang tiến hành một đợt triển khai lớn các thủy thủ và lính thủy đánh bộ Mỹ, cùng với F-35, F-16 và các máy bay kháctrong khu vực.