Đằng sau việc Nhật Bản áp mục tiêu giảm 80% tiếp xúc xã hội để chặn COVID-19

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 7/4 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp, áp dụng các biện pháp quyết liệt để kiểm soát dịch COVID-19. Mục tiêu đề ra là giảm 80% tiếp xúc xã hội – dựa trên một giả thuyết tính toán còn gây tranh cãi.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Người dân ở Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác tại Nhật được yêu cầu hạn chế ra ngoài. Quyết định được đưa ra sau khi chính quyền trung ương thực thi các biện pháp mạnh để ngăn chặn dịch bệnh. Yêu cầu người dân tại các khu đô thị lớn ở nhà, tin rằng việc giảm 80% tiếp xúc xã hội sẽ giúp cư dân của các trung tâm lớn này an toàn trước đại dịch COVID-19. 

Mục tiêu và hướng dẫn người dân hạn chế tối thiểu ra ngoài có điểm tương đồng với những chính sách mà một nhóm nghiên cứu tại Anh đưa ra và họ chuyển khuyến nghị này cho Nhật Bản, coi đây dường như là giải pháp duy nhất hiện hữu giúp ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. “Điểm quan trọng là những ý tưởng này sẽ được thực thi cẩn trọng trên thực tế ra sao”, một chuyên gia tại Nhật Bản bình luận. 

Có thể xem mô hình tại Anh, nước đang yêu cầu người dân ở nhà, là một điểm tham chiếu cho Nhật Bản. Chính phủ Anh lúc đầu không hạn chế đi lại, di chuyển trong xã hội, thay vào đó họ đặt cược vào cái gọi là “miễn dịch cộng đồng”. Giới chức y tế Anh tin rằng dịch bệnh có thể tự qua đi một khi có một lượng lớn người miễn dịch trước virus. Cứ để bệnh dịch tự nhiên và nước Anh sẽ chỉ phải gánh chịu thiệt hại kinh tế ở mức nhỏ nhất - đó là điểm mấu chốt trong lý thuyết này. 

Chú thích ảnh
Nhiều cửa hàng đóng cửa sau khi chính phủ áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 11/4/2020. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Nhưng mức độ lây nhiễm và số ca tử vong tại Anh tăng mạnh. Thủ tướng Anh Boris Johnson phải nhập viện và được điều trị tích cực sau khi nhiễm virus và tự cách ly. Một nhóm chuyên gia Anh tại Đại học Imperial London khi đó đã thuyết phục lãnh đạo nước này từ bỏ hy vọng về “miễn dịch cộng đồng”, với việc đưa ra dự báo đến tháng 8/2020 sẽ có 510.000 người thiệt mạng nếu dịch bệnh tiếp diễn và chính quyền không đưa ra các biện pháp bổ sung.

Báo cáo này cũng nhấn mạnh, nếu đóng cửa trường học và thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ khác, số ca tử vọng sẽ được hạn chế xuống còn 8.700-39.000. Muốn kiểm soát được dịch bệnh, yêu cầu tiên quyết là phải giảm 75% tiếp xúc xã hội. 

Tại Nhật Bản, Giáo sư Hiroshi Nishiura tại Đại học Hokkaido cũng cho rằng nếu giảm tiếp xúc giữa người với người ở mức 80%, tỉ lệ số người mắc mới từ một người nhiễm bệnh có thể chỉ là 1:1 hoặc thậm chí ít hơn.

Theo tính toán giả thuyết, nếu một người lây virus SARs-CoV-2 cho trung bình 2,5 người, cần giảm 65% tiếp xúc xã hội và khi đó vẫn kiểm soát được mức độ lây lan của virus. Nhưng do có nhiều người vẫn thích ra ngoài ăn uống hay tham gia vào các hoạt động có nguy cơ cao khác, nên để dừng lây nhiễm ở cấp độ toàn quốc, mục tiêu đề ra phải ở mức cao hơn, tức giảm 80% tiếp xúc xã hội.

Giảm di chuyển của người dân tác động lớn đến xã hội và nền kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là điều không thể tránh khỏi bởi kiểm soát lây nhiễm nhanh nhất có thể chính là cách thức tốt nhất để giảm thiểu tối đa tổn thất dài hạn. Vậy nhưng rất khó để xác định và quyết định đâu là hoạt động cần giới hạn và đâu là hành vi được phép thực hiện trong thời kỳ thực thi tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Các chuyên gia đưa ra khuyến cáo, bên cạnh các giải pháp phòng chống thông thường như tránh tu tập tại những khu vực ít thông gió, người dân cần hạn chế tối thiểu việc giao tiếp mặt đối mặt, suy nghĩ về khả năng bị lây nhiễm từ người đối diện.

Thế nhưng cũng có người nhìn nhận ngay cả khi áp dụng giảm 80% giao tiếp xã hội vẫn là không đủ để dập tắt dịch bệnh. “Trong trường hợp của Tokyo, tỉ lệ này phải nâng lên 98%”, Giáo sư Aki-Hiro Sato tại Đại học Yokohama City bình luận. Theo ông, nếu virus lây lan tại các trung tâm đô thị như những gì đã diễn ra ở châu Âu, cần phải hạn chế thời gian ra ngoài của người dân xuống còn tối đa 110 phút/tuần. 

Một số chuyên gia khác thì cho rằng, Nhật Bản vẫn có thể kiểm soát được tình trạng lây lan dịch bệnh mà không cần phải bận tâm đến “mục tiêu 80%”. Số này đưa ra công thức “3 tránh” gồm: Tránh các khu vực không có thông gió; tránh địa điểm đông người và tránh các tụ điểm thường là môi trường diễn ra hoạt động tiếp xúc gần.

Theo giáo sư Mitsuyoshi Urashima thuộc Đại học Y khoa Jikei, nếu mọi người thực hiện tốt “3 tránh”, hiệu quả sẽ tích cực ngang bằng mà không cần buộc người dân phải giảm 80% tiếp xúc xã hội”. 

Có rất nhiều mô hình khác nhau được dùng để phán đoán mức độ lây nhiễm và chúng đều được dựa trên các giả thuyết khác nhau. Kết cục là, mỗi mô hình đều đưa ra kết luận riêng và vì thế cần phải liên tục tái đánh giá tình hình và xem xét lại việc cần có biện pháp thích hợp.

Hoài Thanh (Asian Nikkei Review)
Nhật Bản kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách xã hội
Nhật Bản kêu gọi người dân tuân thủ giãn cách xã hội

Ngày 11/4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi người dân trên cả nước đảm bảo thực thi nghiêm túc biện pháp giãn cách xã hội, không tới các tụ điểm đông người như quán bar và nhà hàng để ngăn ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan trên diện rộng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN