Bất chấp việc Nga nã đạn pháo vào các cơ sở thuộc mạng lưới vận hành của Naftogaz, tập đoàn thuộc sở hữu nhà nước lớn nhất tại Ukraine này vẫn thu được hàng trăm triệu USD thông qua quan hệ hợp tác kinh doanh với Nga. Nhưng lệnh đình chiến thương mại không mấy dễ chịu đang có tín hiệu sụp đổ, đe dọa nguồn tiền đổ vào ngân sách Ukraine sụt giảm, khi dòng khí đốt sáng châu Âu đứng trước nguy cơ bị chặn.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Naftogaz vẫn thực hiện mảng kinh doanh về trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu. Mối quan hệ lâu đời nhưng cũng đầy sóng gió giữa Naftogaz với Gazprom đóng vai trò quan trọng đối với cả hai, đến mức không bên nào muốn chủ động từ bỏ.
Nhưng theo giới phân tích và chuyên gia trong ngành, liên minh này ít có khả năng tồn tại trong dài hạn bất kể cuộc chiến Ukraine có kết cục ra sao. Liên minh châu Âu (EU) cam kết chấm dứt sử dụng dầu mỏ, khí đốt của Nga vào năm 2027.
Giám đốc điều hành Naftogaz, ông Yuriy Vitrenko, đang tất bật tăng cường sức mạnh nội lực cho tập đoàn, nhằm hướng đến mục tiêu Naftogaz sẽ không sụp đổ, không tiêu tốn thêm ngân sách nhà nước của Ukraine ngay cả khi chấm dứt quan hệ đối tác với Gazprom, sản lượng suy giảm, trợ cấp thời chiến đối với khách hàng trong nước.
“Xét về lịch sử, chúng tôi nằm giữa Nga và châu Âu, làm nhiệm vụ trung chuyển dầu mỏ và khí đốt từ Nga sang châu Âu. Đó vẫn là một mảng kinh doanh lớn của chúng tôi bất chấp chiến tranh”, ông Vitrenko bày tỏ. Giám đốc điều hành Naftogaz đang phải đối mặt với sức ép tìm kiếm nguồn tín dụng hàng tỉ USD hỗ trợ hoạt động, đồng thời phải chứng minh rằng Naftogaz đạt bước tiến về đa dạng hóa nhiên liệu, phát triển nhiên liệu ít phát thải carbon.
Naftogaz là một công ty năng lượng lớn nhất của Ukraine, với tương lai gắn chặt với nền kinh tế của nước này. Mạng lưới công ty con của Naftogaz trải rộng, với một công ty sản xuất khí đốt và một công ty khai thác dầu mỏ lớn nhất nước. Naftogaz cũng là đầu mối phân phối khí đốt dùng cho sưởi ấm và phát điện.
Năm 2021, Naftogaz đóng góp 11% tổng ngân sách của Ukraine. Riêng Nga đã trả cho tập đoàn này khoảng 1,2 tỉ USD tiền phí trung chuyển 42 tỉ m3 khí đốt sang châu Âu. Moskva trong nhiều năm từng nỗ lực giảm phụ thuộc vào Ukraine, với dự án đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) chạy ngầm dưới biển Baltic tới Đức. Nhưng Nord Stream 2 hiện đã bị chính quyền Đức đóng băng dù đã hoàn tất xây dựng, để phản đối việc Nga can thiệp quân sự ở Ukraine.
Trong quý 4 năm 2021, Ukraine trung chuyển khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga xuất sang châu Âu. Sau khi nổ ra chiến tranh vào cuối tháng 2, mối quan hệ giữa Naftogaz với Gazprom vẫn được duy trì theo tình thế “cực chẳng đã”. Nga thu tiền bán khí đốt qua châu Âu để phục vụ guồng máy chiến tranh; trong khi Naftogaz hàng tháng cũng nhận được quản phí trung chuyển khí đốt từ Nga, một nguồn tiền giúp tăng cường khả năng phòng thủ cho Ukraine.
Trong phần lớn thời gian nổ ra giao tranh, lượng khí đốt Nga bơm sang châu Âu qua ngả Ukraine lớn hơn so với thời điểm leo thang căng thẳng trước xung đột. Nếu Nga dừng cấp khí đốt cho EU, nguồn cung của Ukraine cũng bị cạn kiệt, đẩy giá thành lên cao hơn. Đó là bởi Ukraine sử dụng một phần khí đốt từ Nga để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Giới chuyên gia nhận định, chiến tranh khiến sản lượng khai thác khí đốt tại Ukraine, vốn đáp ứng 2/3 nhu cầu nội địa, suy giảm, với mức giảm khoảng 12% tại thời điểm tháng 4 vừa qua. Còn theo ông Vitrenko, mức suy giảm sản lượng trong cả năm nay dự kiến là 3%-6%.
Trên cương vị Giám đốc điều hành Naftogaz, ông Vitrenko hối thúc thế giới từ bỏ khí đốt Nga. Nhưng chính bản thân ông cũng không biết làm cách nào để thay thế nguồn khí đốt này, với nguồn cung từ đâu. Ông đã mở các cuộc thảo luận để bảo đảm Ukraine có được quyền tiếp cận khí hóa lỏng (LNG) vận chuyển sang châu Âu, nhưng chưa có bất kỳ câu trả lời dễ dàng nào.