Đằng sau vụ phế truất Tổng thống Paragoay

Bãi nhiệm tổng thống cánh tả đương nhiệm, nhanh chóng đưa phó tổng thống cánh hữu lên nắm quyền và thành lập nội các mới. Những bước đi này cho thấy những toan tính cho một cuộc đảo chính đã được cân nhắc kỹ lưỡng tại Paragoay.

Những bất ổn trên chính trường đất nước Nam Mỹ những ngày này khiến giới quan sát quốc tế không khỏi lo ngại, coi đây là bước đi nguy hiểm của cánh hữu sau một thời gian “ẩn mình chờ thời”. Giờ đây đã lật ngược thế cờ, họ đang tìm cách vuột khỏi quỹ đạo cánh tả và có thể kéo theo những hệ lụy tiêu cực đối với cục diện khu vực.


Lý do bề nổi


Với lý do Tổng thống đương nhiệm Fernando Lugo không hoàn thành chức trách, đặc biệt là việc ông ủng hộ những người nông dân không ruộng đất chiếm trang trại của các điền chủ, Hạ viện Paragoay đã thông qua quyết định xét xử chính trị ông và tiếp đó là Thượng viện hôm 22/6 đã bỏ phiếu bãi nhiệm (với 39 phiếu thuận trong tổng số 43 thượng nghị sĩ tham dự) trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào tháng 8/2013.

Người dân Paragoay tụ tập tại quảng trường bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Axunxiôn ngày 23/6 để phản đối quyết định phế truất Tổng thống Fernando Lugo. Ảnh: THX/ TTXVN


Tổng thống Lugo bị phế truất đúng một tuần sau khi xảy ra vụ đụng độ đẫm máu giữa lực lượng cảnh sát với nông dân tại một điền trang nằm cách thủ đô Axunxiôn khoảng 400 km về phía Tây Bắc, làm 17 người bị thiệt mạng và khoảng 80 người bị thương. Phe đối lập đã tố cáo Tổng thống Lugo "bật đèn xanh" cho hành động chiếm ruộng đất trên. Sự việc trở nên trầm trọng hơn sau khi Đảng Tự do cấp tiến đích thực (PLRA) của Phó Tổng thống Franco, lực lượng quan trọng trong liên minh cầm quyền, đã bác bỏ việc bổ nhiệm bộ trưởng nội vụ mới của Tổng thống Lugo và tuyên bố ủng hộ xét xử chính trị tổng thống. Trong khi đó, bốn bộ trưởng thuộc đảng này cũng đã nộp đơn xin từ chức.


Hai ngày sau khi ông Lugo bị phế truất, Tổng thống mới của Paragoay, ông Federico Franco đã công bố nội các trong buổi lễ chính thức tại thủ đô Axunxiôn với 9 bộ trưởng mới, chủ yếu là người của đảng Tự do.


Những diễn biến cấp tập này đã bị nhiều nhóm chính trị xã hội trong nước và chính phủ các nước láng giềng Nam Mỹ đánh giá là một cuộc đảo chính do các nhóm cánh hữu tiến hành chống lại nền dân chủ ở Paragoay.


Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) đã triệu tập một cuộc họp bất thường lần thứ hai để bàn về tình hình Paragoay. Cho đến nay, trong OAS đã có 3 nước rút đại sứ tại Paragoay là Áchentina, Vênêxuêla và Êcuađo, và 7 nước triệu hồi đại sứ để phản đối việc phế truất Tổng thống Lugo, một hành động mà các quốc gia này coi là cuộc đảo chính. Trong khi đó, nhiều nước khu vực đã thông báo không thừa nhận chính phủ lâm thời của Paragoay.


Trong phản ứng của mình, Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đã ra thông cáo nêu rõ tổng thống mới của Paragoay sẽ không được tham gia cuộc họp của Hội đồng thị trường chung và Hội nghị thượng đỉnh của MERCOSUR, cũng như những cuộc họp trù bị cho các hội nghị này, diễn ra từ ngày 25 đến 29/6 tại thành phố Mendoza của Áchentina.


Phần chìm nguy hiểm


Đánh giá về tình hình chính trường Paragoay hiện nay, giới quan sát quốc tế nhận định quốc gia Nam Mỹ này đang bị cuốn vào một vòng xoáy nguy hiểm, mà hệ lụy của nó có thể lan ra cả khu vực. Theo họ, lý do "thiếu trách nhiệm trong việc thực thi chức trách" mà quốc hội lưỡng viện đưa ra để hạ bệ Tổng thống Lugo là không đủ sức thuyết phục. Và ẩn dưới lớp vỏ ngôn từ hào nhoáng ấy là một mưu toan lớn hơn – đó là sự trỗi dậy của cánh hữu, xa rời dần quỹ đạo của phong trào cánh tả đã trải qua giai đoạn hưng thịnh tại khu vực Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Sự việc này cũng đồng thời là lời cảnh báo về nguy cơ các tổng thống hợp hiến trong khu vực bị lật đổ qua bàn tay của cơ quan lập pháp. Sự kiện này cũng nhắc nhở các nước khu vực nhớ lại cuộc đảo chính năm 2009 tại Ônđurát, lật độ chế độ hợp hiến của Tổng thống khi đó là ông Manuel Zelaya với một kịch bản tương tự là quân đội hành động theo phán quyết của tòa án được Quốc hội "bật đèn xanh".


Nhiều nhà phân tích không khỏi lo ngại về nguy cơ bất ổn tại nước này sẽ lan rộng ra khu vực, và đây là bước đi đầu tiên trên con đường khôi phục vị thế của cánh hữu tại Mỹ Latinh sau một thời gian im hơi lặng tiếng trước làn sóng đi lên của phong trào cánh tả.


Cuba đã vạch trần sự thật đằng sau cuộc bỏ phiếu phế truất ông Lugo, đó là sau nhiều thập kỷ dưới các chế độ quân phiệt độc tài và đẫm máu từng sát hại hàng trăm nghìn người và thực hiện những hành động khủng bố nhà nước và tra tấn, chiến lược mang tính bạo lực và phản dân chủ này lại được áp dụng trở lại với các phương thức cũ hoặc mới trong việc đảo chính quân sự chống lại các quốc gia trong khu vực… Đây là những hành động nhằm kiềm chế các quá trình chuyển đổi theo hướng phát triển và sự hội nhập Mỹ Latinh và Caribê.


Với người kế nhiệm ông Lugo - Phó Tổng thống Franco - việc phế truất tổng thống để dọn đường cho ông Franco rõ ràng đã được tính toán kỹ lưỡng và mọi việc diễn ra đúng kịch bản định sẵn nên mới thông đồng bén giọt đến vậy. Trong 4 năm qua, dù là "phó tướng", song ông Franco là một trong những người đối lập sâu sắc với Tổng thống Lugo và phản đối con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Việc chính khách hữu khuynh này lên nắm quyền đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới của Paragoay với nguy cơ xa rời quỹ đạo của phong trào cánh tả.

Phương Hồ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN