Đằng sau xu hướng tăng chi tiêu quân sự tại khu vực bất chấp đại dịch COVID-19

Khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy môi trường an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ sớm ổn định, chi tiêu quân sự ở khu vực sẽ tiếp tục tăng, mạng tin The Diplomat ngày 4/3 bình luận.

Chú thích ảnh
Tàu chiến của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Defenceconnect

Theo Báo cáo Cán cân Quân sự năm 2020 (Military Balance), chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong năm 2020 đạt 1.830 tỉ USSD, tăng 3,9% so với năm 2019. Tổng ngân sách quốc phòng tính tỷ lệ theo GDP tăng từ mức 1,85% lên 2,08 GDP toàn cầu. Tài liệu do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London công bố lưu ý rằng đây là mức tăng chậm hơn so với năm 2019. 

Báo cáo nhận định, sản lượng kinh tế toàn cầu năm 2020 chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, với GDP của thế giới tăng trưởng âm 4,4%. Kinh tế suy giảm, nhưng chi tiêu quân sự vẫn giữ được mức tăng gần như năm 2019.

Điều này phần nào phản ánh một thực tế: Cạnh tranh an ninh gia tăng kéo theo nhu cầu tăng chi tiêu quốc phòng. Trong ngắn hạn, ít có khả năng xu thế này sẽ đảo chiều, bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy môi trường an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ sớm ổn định.

Theo Fenella McGerty, chuyên gia về kinh tế quốc phòng tại IISS, trong mức tăng chi tiêu 3,9% này, Trung Quốc và Mỹ đóng góp khoảng 2/3. Ngân sách quốc phòng của Mỹ năm 2020 tăng 6,3%, của Trung Quốc tăng 5,2% (giảm nhẹ so với mức tăng 5,9% trong năm 2019). Chi tiêu quốc phòng toàn cầu có thể chững lại trong năm 2021, khi chi tiêu quân sự của Mỹ được “làm phẳng”. Châu Á-Thái Bình Dương cũng có thể ghi nhận mức giảm, do tác động tiêu cực về kinh tế mà COVID-19 gây ra. 

Mức tăng ngân sách quốc phòng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không tính Trung Quốc năm 2020 chậm lại, từ mức 3,8% năm 2019 xuống còn 3,6%. Nhưng do quy mô nền kinh tế Trung Quốc quá lớn, nên mức tăng chậm lại của Trung Quốc không ảnh hưởng nhiều đến tăng chi tiêu toàn khu vực. Thực tế, chi tiêu quân sự của nền kinh tế lớn thứ hai có chậm lại, nhưng về giá trị tuyệt đối vẫn tăng 12 tỉ USD trong năm 2020 - bằng tổng mức tăng ngân sách quốc phòng của tất cả các nước châu Á cộng lại. 

Có thể giải thích như thế nào về xu hướng tăng chi tiêu quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương? Đơn cử, Nhật Bản mới đây đã thông qua ngân sách quốc phòng kỉ lục cho tài khóa 2021, lên mức 51,7 tỉ USD, tăng 0,5% so với năm 2020. Ngân sách này tăng liên tục trong 9 năm trở lại đây, chủ yếu là để thíc ứng trước các mối đe dọa tại khu vực, trong đó có thách thức đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. 

Tương tự, Ấn Độ cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2021-2022, với mức tăng 1,4%, từ 64,5 tỉ USD của tài khóa 2020-2021 lên 65,44 tỉ USD cho tài khóa 2021-2022. Mức tăng tuy nhỏ, nhưng là điều đáng lưu tâm, xét trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ bị tác động bởi đại dịch. Nó cho thấy chính quyền của Thủ tướng Narenda Modi dồn ưu tiên cho quốc phòng khi phải đối diện với mối đe dọa Trung Quốc. Theo số liệu điều chỉnh mới được công bố, quân đội Ấn Độ năm 2020 đã được cấp khoản kinh phí bổ sung 2,84 tỉ USD để mua sắm vũ khí sau vụ đụng độ tại thung lũng Galwan với Trung Quốc. 

Australia, một cường quốc khác tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng tăng chi tiêu quân sự. Bất chấp đại dịch, Australia dự kiến duyệt chi ngân sách quốc phòng 33,25 tỉ USD, tương đương 2,19% tổng GDP. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục, với chi tiêu quân sự dự tính sẽ đạt 2,% GDP cho tài khóa 2023-2024. Cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia cũng đã "nếm trải" chính sách phô trương sức mạnh từ Trung Quốc, rõ nhất là đòn đe nẹt về kinh tế và thương mại. 

Mỹ cũng tiếp tục bị cuốn vào xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng từ Trung Quốc. Theo báo cáo Cán cân Quân sự 2020, quá trình hiện đại hóa quân đội Trung Quốc là động lực thúc đẩy hoạt động “mua sắm, nghiên cứu & phát triển” của quân đội Mỹ. Việc Bắc Kinh mở rộng hoạt động ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương, tăng hiện diện ở Vịnh Bengal, Biển Arab, đã khiến tất cả các cường quốc biển còn lại, cũng như các quốc gia ở Đông Nam Á, phải tăng cường tiềm lực quốc phòng. 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động tiêu cực đối với khu vực. Nhiều nước như Ấn Độ, Nhật Bản đã “thấm đòn”, khi kinh tế suy giảm mạnh. Nhưng chi tiêu quốc phòng tại khu vực cho thấy một thực tế: Tokyo, New Delhi, Canberra và nhiều chính phủ khác ở Đông Nam Á đang đối diện với những yêu cầu cấp thiết về an ninh. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về chi tiêu quân sự năm 2019
Ấn Độ đứng thứ ba thế giới về chi tiêu quân sự năm 2019

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chi tiêu quân sự của Ấn Độ năm 2019 đứng thứ 3 trong số các quốc gia chi tiêu lớn nhất toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN