Tuyên bố chung của bốn nước đã hối thúc Sudan quay lại chính phủ chia sẻ quyền lực, chấm dứt tình trạng khẩn cấp, cam kết thực thi quan hệ đối tác dân sự - quân đội một cách nghiêm túc trong giai đoạn chuyển giao hướng tới bầu cử. Điều này sẽ giúp đảm bảo Sudan đạt được ổn định chính trị và phục hồi kinh tế, để từ đó có thể tiếp tục quá trình chuyển giao với sự hỗ trợ của những người bạn và các đối tác quốc tế. Quá trình chuyển giao này dự kiến sẽ mở đường cho các cuộc bầu cử tại Sudan vào năm 2023.
Sudan đang trong quá trình chuyển tiếp bấp bênh do những chia rẽ chính trị sau khi Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019. Từ tháng 8/2019, Sudan được đặt dưới sự điều hành của Hội đồng Tối cao gồm các đại diện lực lượng quân đội và bên dân sự.
Ngày 25/10 vừa qua, quân đội Sudan đã bắt giữ hầu hết các thành viên nội các. Thủ tướng Abdalla Hamdok cũng bị bắt giữ, nhưng sau đó đã được trả tự do. Tướng Abdel Fattah al-Burhan - thời điểm đó là người đứng đầu Hội đồng Tối cao - đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, đồng thời giải tán hội đồng này cùng chính phủ chuyển tiếp. Từ thời điểm này, người biểu tình đã đổ xuống đường phố ở thủ đô Khartoum yêu cầu khôi phục chính quyền dân sự.
Tướng al-Burhan cho biết quân đội sẽ bổ nhiệm thủ tướng để đứng ra thành lập nội các chia sẻ quyền lãnh đạo đất nước với lực lượng vũ trang. Ông này tuyên bố chủ trương thành lập một chính phủ kỹ trị. Quân đội cũng đã thành lập một ủy ban trung gian gồm các nhân vật có uy tín và tầm ảnh hưởng tại Sudan. Các thành viên ủy ban đã có các cuộc gặp với cả đại diện bên quân đội và phe dân sự và Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) về Sudan, ông Volker Perthes đóng vai trò trung gian dàn xếp thỏa thuận giữa các bên.
Trong khi đó, ngày 3/11, đài truyền hình al Arabiya của Saudi Arabia cho biết Thủ tướng Sudan - ông Abdalla Hamdok - đã đồng ý trở lại lãnh đạo chính phủ với điều kiện quân đội Sudan phải trả tự do cho những chính trị gia bị bắt giữ trong cuộc đảo chính cuối tháng trước.
Để giải quyết tình hình tại Sudan, dự kiến Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt vào ngày 5/11. Phiên họp được triệu tập theo đề nghị chính thức của Anh, Mỹ, Na Uy và Đức, đồng thời đã nhận được sự ủng hộ của 17/47 thành viên hội đồng.