Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết đảo Christianso đã trở thành cái tên hút truyền thông sau khi có thông tin cáo buộc một chiếc thuyền neo đậu gần mỏm đá trên đảo đã được sử dụng để phá hoại tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc hồi tháng 9/2022.
Người trông nom hòn đảo thuộc Đan Mạch này – ông Thiim Andersen chia sẻ với hãng thông tấn Reuters (Anh): “Thực tế là cả thế giới đã gọi cho tôi ngày hôm qua. Tôi đã nhận cuộc gọi từ 87 người khác nhau”.
Nhà báo ở nhiều nơi đã gọi ông Thiim Andersen sau khi các phương tiện truyền thông ở Mỹ và Đức ngày 7/3 nghi ngờ một nhóm ủng hộ Ukraine có thể chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào các đường ống Dòng chảy phương Bắc.
Tờ New York Times (Mỹ) dẫn nguồn tin tình báo Mỹ, cho rằng một nhóm ủng hộ Ukraine đã gây ra các vụ nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 và Dòng chảy phương Bắc 2 vào tháng 9 năm ngoái. Theo tờ Zei và kênh ARD (Đức), hoạt động đặt chất nổ dưới đáy biển được thực hiện bởi sáu người (trong đó có 1 phụ nữ) và những người này sử dụng hộ chiếu giả. Họ đi thuyền từ Rostock ở miền Bắc nước Đức vào ngày 6/9/2022 đến Christianso. Cảnh sát Đan Mạch đã từ chối bình luận về thông tin này.
Ông Andersen chia sẻ với Reuters rằng cảnh sát Đan Mạch đã phỏng vấn người dân địa phương để biết thông tin về những chiếc thuyền neo đậu tại Christianso trong khoảng thời gian từ ngày 16-18/9/2022. Nhưng dường như cảnh sát không phải là những người duy nhất quan tâm đến thông tin.
Những người dân đảo khác vào hôm 9/3 nói với Reuters rằng họ đã choáng ngợp trước sự quan tâm bất ngờ từ các nhà báo ở khắp nơi trên thế giới, những người muốn biết mọi thứ về chiếc thuyền được cho là đã neo đậu trên đảo. "Điều đó hơi phiền hà. Rằng hòn đảo nhỏ của chúng tôi có thể chỉ là một con tốt trong trò chơi chính trị lớn như vậy. Và có đúng như vậy không, hay chúng chỉ là thuyết âm mưu?", cư dân sống 35 năm tại đảo, cô Anne Marie Koefoed chia sẻ với Reuters.
Christianso là một phần của quần đảo nhỏ cách đảo Bornholm (Đan Mạch) trên Biển Baltic khoảng 18 km về phía Đông Bắc. Christianso từng là một pháo đài hải quân, hiện nó vẫn nằm dưới sự quản lý của Bộ quốc phòng Đan Mạch và có 98 cư dân.
Sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch.
Nga cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm đối với những vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc, đồng thời kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế. Tuy nhiên, phương Tây đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc.
Các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào dù cho rằng đây là hành động "có chủ đích".
Ngày 21/2 vừa qua, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành thảo luận vấn đề này sau khi phái đoàn thường trực Liên bang Nga đề nghị mở một cuộc điều tra toàn diện do LHQ đứng đầu.
Một số thành viên HĐBA lên tiếng ủng hộ đề xuất này, song một số nhấn mạnh chỉ cần các cuộc điều tra hiện nay là đủ. Các thành viên khác bày tỏ quan ngại về tác động của vụ việc, cho rằng các nỗ lực nên tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực.