Bên bờ biển đảo Bangka (Indonesia), các thợ mỏ như ông Hendra hàng ngày lên thuyền ra khơi để tìm kiếm thiếc dưới đáy biển.
Kênh Al Jazeera cho biết Indonesia là quốc gia xuất khẩu thiếc lớn nhất thế giới. Kim loại này vốn được sử dụng trong nhiều vật dụng, từ gói thực phẩm đến thiết bị điện tử và công nghệ xanh.
Khi các mỏ thiếc tại quần đảo Bangka-Belitung bị khai thác triệt để, khan hiếm thiếc trên cạn khiến các thợ mỏ tìm đường ra biển.
Ông Hendra (51 tuổi) vốn làm công việc khai thác mỏ thiếc từ thập niên trước nhưng một năm trở lại đây bắt đầu ra biển để tìm kim loại này. Ông chia sẻ: “Trên đất liền, thu nhập của chúng tôi đang giảm dần. Không còn thiếc nữa. Nhưng ngoài biển có nhiều hơn”.
Ông Hendra hiện vận hành 5 sà lan, mỗi chiếc có từ 3-4 nhân viên. Phương tiện này được trang bị ống dài trên 20 m để hút cát từ đáy biển. Cát trộn lẫn với nước được lọc qua vải nhựa để giữ lại cát có chứa thiếc.
Những thợ mỏ như ông Hendra được trả công 70.000-80.000 rupiah (4,9 USD-5,6 USD) cho mỗi kg cát chứa thiếc và một sà lan trung bình mỗi ngày sản xuất được 50 kg.
Thợ mỏ hợp tác với công ty PT Timah để được khai thác tại những địa điểm được nhượng quyền. Dữ liệu của PT Timah cho thấy trữ lượng thiếc trên đất liền là 16.399 tấn năm 2020 trong khi trữ lượng ở ngoài khơi là 265.913 tấn.
Tuy nhiên, ngư dân địa phương không đồng tình với tình trạng khai thác này vì cho rằng sản lượng của họ bị ảnh hưởng. Ngư dân Apriadi Anwar chia sẻ: “Cá ngày càng khan hiếm bởi rạn san hô nay bị phủ bùn từ việc khai thác thiếc”.