“Chết vì đau buồn” thực sự là điều có thật nhìn từ góc độ khoa học. Một nghiên cứu mới đây đã cho thấy, việc mất đi người thân yêu có thể làm suy yếu khả năng chống chọi của cơ thể trước tình trạng nhiễm khuẩn.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, những chấn động tâm lý khi mất đi người thân yêu có thể dẫn đến suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể, khiến người đó trở nên nhạy cảm hơn trước hiện tượng nhiễm khuẩn. Phát hiện này có thể lý giải tại sao nhiều người đã qua đời chỉ vài ngày, thậm chí vài tiếng, sau cái chết của chồng hoặc vợ của họ.
Johnny Cash, một trong những nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, đã qua đời 4 tháng sau cái chết của vợ. Ảnh: Internet |
Cựu Thủ tướng Anh James Callaghan đã qua đời vì bệnh viêm phổi ở tuổi 92 vào năm 1995, chỉ 10 ngày sau khi vợ ông là Audrey qua đời ở tuổi 67. Nhạc sĩ huyền thoại người Mỹ Johnny Cash đã qua đời ở tuổi 71 vì các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường khi ông đang nằm viện vào năm 2003. Thời điểm đó sức khỏe của ông đã suy yếu đi nhiều sau cái chết của người vợ 4 tháng trước đó.
Theo tờ Telegraph, các nhà nghiên cứu miễn dịch tại trường Đại học Birmingham (Anh) đã phát hiện ra rằng, mức độ căng thẳng và suy sụp tinh thần do đau buồn có thể ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào bạch cầu, vốn chịu trách nhiệm “chiến đấu” chống lại sự xâm nhập và tấn công của vi khuẩn.
Tác động này sẽ lớn hơn ở những người cao tuổi, vì do tuổi tác, họ đã mất đi khả năng sản xuất ra một loại hormone có thể đối phó với ảnh hưởng từ tâm lý, đồng nghĩa với với việc một người cao tuổi đang khỏe mạnh có thể trở thành nạn nhân của bệnh tật sau một cú sốc đau buồn.
Giáo sư Janet Lord, người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết: “Có rất nhiều giai thoại về những cặp vợ chồng đã chung sống suốt 40 năm, khi một trong hai người qua đời, thì chỉ vài ngày sau người còn lại cũng ra đi. Dường như có một cơ chế sinh học giải thích cho điều này. Không phải họ chết vì đau buồn, mà chết vì hệ miễn dịch bị suy yếu do tác động từ tâm lý đau buồn, khiến họ dễ bị nhiễm khuẩn hơn”.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét các hệ miễn dịch và nồng độ hormone của 48 người khỏe mạnh từ 65 tuổi trở lên. Một nửa trong số họ đã từng trải qua một cú sốc đau buồn lớn trong 12 tháng trở lại. Họ phát hiện, hoạt động chống vi khuẩn của bạch cầu ở nhóm những người đau buồn giảm mạnh so với những người không trải qua trạng thái tâm lý đó. Nhóm "đau buồn" cũng có nồng độ cao của cortisol - loại hormone ức chế hoạt động của bạch cầu, khiến chúng hoạt động kém tích cực hơn.
Hầu hết cơ thể những người trẻ tuổi, khỏe mạnh sản xuất ra loại hormone được gọi là DHEA, mà giáo sư Lord và các cộng sự phát hiện là có khả năng chống lại tác động nói trên, cho phép hệ miễn dịch của người đó duy trì chức năng bình thường. Tuy nhiên, cơ thể người cao tuổi mất đi khả năng sản sinh ra loại hormone này, vì vậy họ trở nên nhạy cảm hơn với bệnh tật trong khoảng thời gian buồn đau.
Thu Hằng