Vương quốc Anh đã sẵn sàng ký một thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác Năng lượng Biển Bắc tự nguyện (NSEC), dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy quan hệ ấm lên giữa Brussels và London.
NSEC, gồm Ủy ban châu Âu, tám quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy, tập trung hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện gió và mạng lưới phân phối trong khu vực. Anh từng là thành viên của tổ chức này trước khi rời EU.
Anh đang chuẩn bị ký một biên bản ghi nhớ với NSEC để tái gia nhập tổ chức. Tuy nhiên, Anh sẽ không thể là một thành viên chính thức của NSEC, trừ khi nước này tuân theo các quy định của thị trường nội khối.
Thủ tướng Anh Liz Truss đã trao đổi với lãnh đạo các nước láng giềng về an ninh năng lượng tại cuộc họp khai mạc Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC), gồm các quốc gia châu Âu, tại Praha vào ngày 7/10, kêu gọi 44 quốc gia tham dự cuộc họp tiếp tục cung cấp điện cho Vương quốc Anh thông qua hệ thống cấp điện liên kết.
Thủ tướng Cộng hòa Czech (Séc) Petr Fiala, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành quá trình cho phép Vương quốc Anh tham gia Tổ chức Hợp tác Năng lượng Biển Bắc càng sớm càng tốt. Đây sẽ là bước này sẽ tăng cường hợp tác và an ninh năng lượng của châu Âu trước tình trạng thao túng giá năng lượng”.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho biết ông ủng hộ mối quan hệ năng lượng chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh. Hà Lan và Bỉ là hai quốc gia cung cấp điện cho Anh thông qua hệ thống cấp điện liên kết vào mùa đông, khi Anh thiếu điện.
Kể từ khi rời EU vào năm 2020, Anh tỏ ra không mấy mặn mà trong việc hợp tác chính thức với Brussels. Tuy nhiên, nhu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn khí đốt của Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến thay đổi. Vương quốc Anh đã được chọn để tổ chức cuộc họp lần thứ tư của nhóm EPC vào năm 2024.
Bên lề hội nghị EPC, Thủ tướng Anh cũng có cuộc gặp song phương với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Hai bên đã đưa ra tuyên bố chung, theo đó lần đầu tiên kể từ sau Brexit, Anh và Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào năm 2023, "để tiến tới một chương trình nghị sự song phương mới".
Hai bên cũng thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác chống di cư bất hợp pháp trong phạm vi luật pháp quốc tế, nhằm xử lý các nhóm tội phạm buôn người trên khắp châu Âu. Bộ trưởng Nội vụ hai nước dự kiến sẽ thống nhất các biện pháp về vấn đề này vào mùa Thu này.