Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã thảo luận về bất đồng liên quan đến Boeing và Airbus trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với người đồng cấp Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis vào ngày 14/6, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU ngày 15/6.
Ủy ban châu Âu, cơ quan phụ trách chính sách thương mại của EU, và Mỹ cùng hướng tới mục tiêu vào ngày 11/7 tìm được giải pháp. Hai bên nhắm tới thỏa thuận kép giữa Mỹ-EU và Washington-London để tạo được nền quy tắc mới cho ngành hàng không.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng từng cam kết tái thiết mối quan hệ với đối tác châu Âu sau 4 năm nhiều biến động dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Các chuyên gia thương mại cho biết thỏa thuận “đình chiến” liên quan đến trợ cấp các hãng hàng không sẽ tạo điều kiện để Mỹ và châu Âu tập trung vào những vấn đề khác như lo ngại về mẫu hình kinh tế của Trung Quốc.
Xích mích trợ giá cho hãng hàng không bùng phát từ năm 2004 khi Mỹ khiếu nại EU lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ở thời điểm đó, Mỹ cáo buộc một số quốc gia châu Âu vi phạm thỏa thuận thương mại khi cung cấp cho Airbus khoản vay ưu đãi, giúp hãng này phát triển và sản xuất một số loại máy bay và cạnh tranh thị trường với Boeing trong khi trước đó vào năm 1990 Airbus chỉ chiếm chưa đầy 25% thị trường. Năm 2005, EU khiếu nại cho rằng Mỹ đã trợ cấp trái phép cho Boeing. Trong phán quyết năm 2019, WTO cho rằng Boeing được hưởng lợi từ giảm trừ thuế của bang Washington.
Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đặt thuế bổ sung với phi cơ, rượu, pho mai… và nhiều sản phẩm khác xuất xứ từ châu Âu.