Theo CNN, giới chức Mỹ và Ukraine chưa có lời giải thích rõ ràng hoặc duy nhất cho hiện tượng nói trên. Theo họ, Nga có thể đang hạn chế số lượng đạn pháo do nguồn cung thấp, hoặc đó có thể là một phần của việc Moskva đánh giá lại các chiến thuật khi đối mặt với các cuộc tấn công thành công của Ukraine.
Theo đánh giá của họ, dù bằng cách nào, sự sụt giảm đáng kể hỏa lực pháo binh là bằng chứng nữa cho thấy vị thế ngày càng yếu của Nga trên chiến trường sau gần một năm xung đột.
Tình trạng trên xảy ra trong bối cảnh Ukraine đang nhận được sự hỗ trợ quân sự ngày càng tăng từ các đồng minh phương Tây, với việc Mỹ và Đức tuần trước tuyên bố sẽ lần đầu tiên cung cấp cho Kiev các phương tiện chiến đấu bọc thép, và một hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot khác sẽ hỗ trợ bảo vệ bầu trời.
Phần lớn phe đối lập trong nước mà Tổng thống Putin và các tướng lĩnh của ông phải đối mặt trong việc xử lý cuộc xung đột đến từ một trong những đồng minh thân cận nhất của nhà lãnh đạo Nga: Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu tổ chức quân sự tư nhân Wagner Group.
Ông Prigozhin phàn nàn rằng Bộ Quốc phòng Nga đã phá hỏng nỗ lực và Wagner nên được trao thêm thiết bị, quyền hạn và quyền tự chủ để thực hiện các hoạt động ở Ukraine. Có thông tin rằng Prigozhin muốn nắm quyền kiểm soát các mỏ muối béo bở gần Bakhmut.
Trong một đoạn video được truyền thông nhà nước Nga đăng tải, các tay súng Wagner phàn nàn rằng họ đang cạn kiệt phương tiện chiến đấu, đạn pháo và đạn dược, và tình trạng này đang hạn chế khả năng chinh phục Bakhmut của họ.
Nga đã phải chịu một thất bại khác vào đầu tháng này khi các lực lượng Ukraine tấn công một kho vũ khí ở Makiivka, miền Đông Ukraine, phá hủy thêm nguồn cung cấp và khiến nhiều binh sĩ Nga đóng quân gần đó thiệt mạng.
“Có thể cuộc tấn công này chỉ là giọt nước tràn ly, nhưng cái thùng đang ngày càng nhỏ đi”, một quan chức quốc phòng Mỹ nói, ám chỉ kho dự trữ vũ khí của Nga mà phương Tây cho là ngày càng cạn.
Cho đến nay, các câu hỏi về kho dự trữ vũ khí của Nga chủ yếu tập trung vào các loại vũ khí dẫn đường chính xác, như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết tốc độ bắn pháo giảm đáng kể có thể cho thấy rằng chiến sự kéo dài và tàn khốc cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến việc cung cấp vũ khí thông thường của Nga.
Tháng trước, một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết Nga đã phải sử dụng đạn pháo 40 năm tuổi do nguồn cung đạn mới của họ cạn kiệt. Đối với Mỹ, việc sử dụng đạn dược đã xuống cấp là dấu hiệu cho thấy kho vũ khí của Nga đang giảm dần.
Việc phân phối đạn dược và tốc độ bắn thấp hơn dường như là một sự khác biệt so với học thuyết quân sự của Nga, vốn theo truyền thống kêu gọi bắn phá dữ dội vào khu vực mục tiêu bằng hỏa lực pháo và tên lửa lớn. Chiến lược đó đã diễn ra ở các thành phố như Mariupol và Melitopol khi các lực lượng Nga sử dụng các cuộc tấn công mạnh để thúc đẩy bước tiến ở Ukraine.
Các quan chức Mỹ cho biết sự thay đổi chiến lược có thể là do chỉ huy chiến trường Nga mới được bổ nhiệm, Tướng Sergey Surovikin, người mà Mỹ tin rằng có năng lực hơn những người tiền nhiệm.
Trong khi đó, Ukraine không có nhiều lựa chọn ngoài việc sử dụng đạn dược "tiết kiệm" kể từ khi bắt đầu chiến sự. Quân đội Ukraine đã nhanh chóng đốt hết kho đạn 152 mm thời Liên Xô của chính họ khi xung đột nổ ra, và mặc dù Mỹ và các đồng minh đã cung cấp hàng trăm nghìn viên đạn 155 mm của phương Tây, thì nguồn cung cấp này cũng có giới hạn.
Kết quả là Ukraine bắn trung bình khoảng 4.000 - 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày - ít hơn nhiều so với Nga.
Một quan chức quốc phòng Mỹ lưu ý rằng tốc độ bắn giảm của người Nga không phải là cố định, và có những ngày người Nga vẫn bắn nhiều đạn pháo hơn - đặc biệt là xung quanh các thành phố Bakhmut và Kreminna ở miền Đông Ukraine, cũng như một số nơi gần Kherson ở miền Nam.
Các quan chức Mỹ và Ukraine đã đưa ra những ước tính rất khác nhau về hỏa lực của Nga, trong đó phía Mỹ cho biết tỷ lệ đã giảm từ 20.000 viên đạn mỗi ngày xuống còn khoảng 5.000 viên mỗi ngày. Còn Ukraine ước tính rằng tỷ lệ đã giảm từ 60.000 xuống còn 20.000 mỗi ngày. Nhưng cả hai ước tính này đều chỉ ra xu hướng giảm.
Một quan chức quân sự Mỹ cho biết, mặc dù Nga vẫn có sẵn nhiều đạn pháo hơn Ukraine, nhưng ước tính ban đầu của Mỹ đã đánh giá quá cao số lượng đạn dược mà Nga có, trong khi đánh giá thấp khả năng Ukraine tấn công các cơ sở hậu cần của Nga.
Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo thường xuyên hôm 9/1, có vẻ như Nga đang tập trung nhiều hơn vào việc củng cố các công sự phòng thủ của mình, đặc biệt là ở trung tâm Zaporizhzhia. Bộ này nhận định các động thái đó cho thấy Moskva lo ngại một cuộc tấn công tiềm năng của Ukraine ở đó hoặc ở Luhansk.
“Một bước đột phá lớn của Ukraine ở Zaporizhzhia sẽ thách thức nghiêm trọng khả năng tồn tại của 'hành lang trên bộ' nối vùng Rostov của Nga với Crimea", Bộ Quốc phòng Anh cho biết, và nhận định thêm rằng thành công của Ukraine ở Luhansk sẽ "làm suy yếu mục tiêu được tuyên bố của Nga là 'giải phóng' Donbas.