Bệnh đậu mùa khỉ có tên gọi như vậy là do được phát hiện lần đầu tiên ở loài khỉ và có liên quan đến virus đậu mùa chết người, song ít nghiêm trọng hơn. Chủng virus đang lưu hành bên ngoài châu Phi nhẹ hơn so với hai phiên bản trước đó.
Khi các ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ bùng phát nhanh chóng trên khắp thế giới gây ra một cuộc chiến tranh giành vaccine, hãng thông tấn Pháp AFP đã điểm lại các mốc thời gian kể từ căn bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở châu Phi vào những năm 1970 cho đến nay.
Năm 1970: Ca mắc đầu tiên ở người
Người đầu tiên được xác định mắc bệnh đậu mùa khỉ là một cậu bé 9 tuổi ở Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) vào năm 1970. Nó đã trở thành bệnh đặc hữu tại các khu rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi, với việc 11 quốc gia khu vực ghi nhận các trường hợp mắc bệnh.
Virus lây truyền khi con người tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh, chủ yếu là loài gặm nhấm, hoặc người nhiễm bệnh.
Năm 2003: Lần bùng phát đầu tiên ngoài châu Phi
Tháng 6/2003, căn bệnh này đã xuất hiện ở Mỹ và đây là lần đầu tiên nó được phát hiện bên ngoài phạm vi châu Phi. Các chuyên gia cho biết đợt lây nhiễm đó đã bùng phát sau khi những loài gặm nhấm được nhập khẩu Ghana truyền virus cho loài cầy thảo nguyên ở Mỹ.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo 87 trường hợp mắc bệnh, song không có ca tử vong nào.
Năm 2017: Bùng dịch ở Nigeria
Một đợt bùng phát lớn đã xảy ra tại Nigeria, với trên 200 người mắc và tỷ lệ tử vong lên đến 3%.
Trong 5 năm tiếp theo, nhiều nước trên thế giới tiếp tục ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ là những du khách người Nigeria, đặc biệt là ở Anh, Israel, Singapore và Mỹ.
Tháng 5/2022: Tăng đột biến ngoài châu Phi
Tháng 5/2022, hàng loạt ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện ở các quốc gia bên ngoài châu Phi, mặc dù chưa từng đến khu vực này. Hầu hết bệnh nhân là những người đồng tính nam.
Châu Âu hiện là tâm chấn của đợt bùng phát đậu mùa khỉ mới. Ngày 20/5, nước Anh đã ghi nhận 20 trường hợp, chủ yếu là người đồng tính nam. Cùng ngày, WHO thống kê có 80 trường hợp được xác nhận nhiễm virus đậu mùa khỉ trên khắp thế giới, trong đó có Australia, Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.
Cuối tháng 5/2022: Bắt đầu tiêm phòng
Ngày 23/5, giới chức y tế Mỹ thông báo chuẩn bị tiêm vaccine đậu mùa, có hiệu quả chống lại bệnh đậu mùa khỉ, cho những người tiếp xúc gần với bệnh nhân đậu mùa khỉ.
Ba ngày sau, Liên minh châu Âu (EU) công bố kế hoạch mua vaccine tập trung, tương tự cách đã làm với vaccine COVID-19.
Tháng 6/2022: Trên 1.000 người mắc
Đầu tháng 6, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo đã có trên 1.000 người mắc bệnh đậu khỉ tại 29 quốc gia nơi virus này không thường xuất hiện.
Vào ngày 21/6, Anh công bố chiến dịch tiêm vaccine đậu mùa cho những người đàn ông đồng tính và song tính.
Các chuyên gia của WHO đã họp nhóm vào ngày 23/6 để thảo luận về mối đe dọa trên, nhưng quyết định bệnh đậu mùa khỉ không phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Tháng 7/2022: 16.000 trường hợp, 78 quốc gia và vùng lãnh thổ
Ngày 8/7, các cơ quan y tế ở Pháp cũng triển khai biện pháp phòng ngừa đối với những đối tượng có nguy cơ cao như người đồng tính nam, người chuyển giới và người bán dâm.
Vào ngày 14/7, CDC Mỹ ra báo cáo cho biết đã có ít nhất 11.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 60 quốc gia, nơi virus này hiếm khi được tìm thấy. Hầu hết các trường hợp là ở châu Âu, Mỹ và Canada.
Số ca nhiễm ở New York tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy một tuần lên vài trăm ca. Mọi người xếp hàng chờ đăng ký tiêm vaccine.
Ngày 20/7, ông Tedros thông báo từ đầu năm đến nay, toàn cầu đã có trên 16.000 người tại hơn 78 quốc gia/vùng lãnh thổ, với 5 trường hợp tử vong ở châu Phi.
Tuần trước, thêm 6 quốc gia đã phát hiện ca bệnh đầu tiên, trong khi nhiều quốc gia khác bị hạn chế tiếp cận với chẩn đoán và vaccine, khiến đợt bùng phát trở nên khó theo dõi hơn.
WHO đã tổ chức một cuộc họp chuyên gia mới để quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với căn bệnh này.