Dấu tích thị trấn cổ ở sa mạc lớn nhất Trung Quốc

Các nhà khảo cổ học Trung Quốc trong quá trình tìm kiếm ở Khu tự trị Ngô Duy Nhĩ Tân Cương đã phát hiện ra một thị trấn cổ bị vùi lấp trong sa mạc Taklimakan, sa mạc lớn nhất ở nước này.


Sa mạc Taklimakan, nơi các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa phát hiện một thị trấn cổ bị vùi lấp. Ảnh: Internet.

Tiến sĩ Wu Xinhua, người đứng đầu nhóm các nhà khảo cổ học của Viện nghiên cứu khoa học xã hội ở Tân Cương, ngày 20/1 cho biết, thị trấn này có diện tích ít nhất 65.000 m2, trong đó khu vực nội thị rộng 4.000 m2, vừa được phát hiện cuối tuần trước ở sa mạc Taklimakan.

Dựa trên những phân tích về khảo cổ học, Wu và các đồng nghiệp tin rằng, thị trấn này có niên đại từ thời tây Hán (từ năm 206 trước Công nguyên đến năm 220 sau Công nguyên).

Tiến sĩ Wu cho biết, phần lớn những tàn tích của thị trấn này đã bị cát vùi lấp, song vẫn có thể nhìn thấy 4 lớp tường thành. Lớp tường trong cùng trải dài 17,8 mét từ nam sang bắc và 14,6 mét từ đông sang tây. Lớp tường thứ hai chỉ còn lại sót lại những chiếc cột gốm đổ nát. Lớp tường thứ ba là một “đại lộ” và lớp tường ngoài cùng là một dãy nhà lợp mái tranh. Ở khoảng giữa lớp tường thứ ba và thứ tư, các nhà khảo cổ phát hiện một số kiến trúc nhà ở.

Tiến sĩ Tang Zihua, một thành viên trong nhóm khảo cổ học, đã thu thập một số kiểu quần áo tang và những cây gỗ ở khu vực trên để mang đến phòng nghiên cứu ở Bắc Kinh. Tang cho biết: "Chúng tôi sẽ sử dụng cácbon 14 để xác định niên đại của chúng".

Dựa vào các loại gỗ và cây cối phong phú được tìm thấy trong những vật liệu làm nhà, Tang cho biết khu vực này, hiện nay đã trở nên khô cằn quanh năm, chắc chắn có nguồn nước phong phú trong thời kỳ nhà Hán.

Sa mạc Taklimakan, có diện tích khoảng 337.000 km2, hiện là sa mạc lớn nhất ở Trung Quốc, thường được ví là không ai có thể ra khỏi đó một khi đã bước chân vào.


L.H (theo THX)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN