Câu nói của nhà hoạt động giáo dục người Pakistan, Malala Yousafzai, đã được nhiều người trích dẫn khi nhấn mạnh giá trị và ý nghĩa của giáo dục đối với nữ giới. Từng bị lực lượng Taliban tấn công gây thương tích năm 2012 bởi những nỗ lực đấu tranh vì quyền được giáo dục cho trẻ em gái, sau khi bình phục, Malala vẫn không lùi bước, tiếp tục tuyên truyền nhận thức toàn cầu về nhu cầu giáo dục cho phụ nữ và trẻ em. Cuộc đấu tranh không mệt mỏi của Malala đã giúp cô trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hòa bình. Malala là một trong hàng triệu phụ nữ bằng tài năng, trí tuệ và lòng nhân ái đã góp phần cải tạo thế giới trên nhiều lĩnh vực để thúc đẩy bình đẳng giới và để phái đẹp ngày càng phát triển trên con đường học vấn, có tiếng nói lớn hơn trong sự nghiệp cũng như đời sống xã hội.
Theo Báo cáo năm 2023 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), khoảng cách giới trong giáo dục đã được thu hẹp đáng kể, khi có tới 117/146 quốc gia trong danh sách của WEF thu hẹp được ít nhất 95% khoảng cách, đưa tình trạng bình đẳng giới trên toàn cầu phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19. Khoảng cách giữa nam và nữ trong tham gia các hoạt động kinh tế và chính trị lần lượt được thu hẹp ở mức 60,1% và 22,1%. Khu vực châu Âu vẫn có tỷ lệ bình đẳng giới cao nhất (76,3%), tiếp đó là Bắc Mỹ (75%), Mỹ Latinh và Caribe (74,3%).
Đạt được bình đẳng giới là một trong các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ), là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách trên thực tế không dễ dàng như khi còn trên giấy. Trong Báo cáo Phụ nữ, Kinh doanh và Pháp luật lần đầu tiên đánh giá việc thực hiện các luật bảo vệ phụ nữ tại 190 quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát hiện khoảng cách "gây sốc" giữa chính sách và thực tiễn.
Trung bình các biện pháp bảo vệ pháp lý đối với phụ nữ chỉ bằng 64% của nam giới. Trong các trường hợp bạo lực gia đình, quấy rối tình dục, tảo hôn và nạn diệt chủng, phụ nữ chỉ nhận được khoảng 30% sự bảo vệ pháp lý cần thiết. Quấy rối tình dục bị cấm ở nơi làm việc tại 151 quốc gia, nhưng chỉ có 40 quốc gia ban hành luật cấm hành vi này ở nơi công cộng. Trên lý thuyết, các quyền của nữ giới chỉ bằng khoảng 75% các quyền của nam giới, nhưng các quốc gia thiếu các hệ thống cần thiết để đảm bảo thực thi đầy đủ những quyền lợi đó. Đơn cử 98 nền kinh tế có luật trả lương bình đẳng, nhưng chỉ có 35 nền kinh tế đề ra các biện pháp thanh toán minh bạch hoặc cơ chế thực thi để giải quyết chênh lệch về lương.
Những con số này cho thấy đi tới bình đẳng giới vẫn còn cả chặng đường dài phía trước. Theo tính toán của WEF, với tốc độ như hiện nay, thế giới phải mất tới 131 năm để thu hẹp khoảng cách giới nói chung, 169 năm để đạt được bình đẳng về kinh tế và 162 năm để đạt được bình đẳng về chính trị. Điều này là do tác động từ những yếu tố như xung đột, biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo... đã làm chững lại tốc độ thu hẹp khoảng cách giới. Quan trọng hơn nữa, đó là đầu tư vào các nỗ lực đảm bảo bình đẳng giới chưa đủ và hiệu quả như kỳ vọng. Theo ước tính của tổ chức Phụ nữ LHQ (UN Women), mỗi năm thế giới cần thêm 360 tỷ USD cho các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới từ nay đến năm 2030.
“Đầu tư vào phụ nữ: Đẩy nhanh tiến bộ” là chủ đề LHQ lựa chọn nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như quyền có cuộc sống lành mạnh hơn. Tổng thư ký LHQ António Guterres cho rằng đầu tư vào quyền và cơ hội của phụ nữ sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, nâng cao tinh thần cho người dân, cộng đồng và quốc gia nói chung. WB ước tính việc chấm dứt các quy định và những hành vi phân biệt đối xử cản trở vai trò của nữ giới trong công việc cũng như khởi nghiệp có thể giúp tăng hơn 20% GDP toàn cầu trong thập niên tới.
Theo LHQ, cần tập trung vào 5 trọng tâm đầu tư đối với nữ giới. Thứ nhất, đảm bảo các quyền cơ bản của phụ nữ. Thứ hai, đầu tư xóa đói nghèo nhằm giúp ngăn chặn kịch bản hơn 342 triệu phụ nữ và trẻ em gái chật vật trong đói khổ vào năm 2030. Thứ ba, có chính sách hỗ trợ tài chính dành cho nữ giới, căn cứ vào dự báo xung đột và giá cả tăng cao có thể khiến 75% quốc gia cắt giảm chi tiêu công vào năm 2025, tác động tiêu cực đến phụ nữ và các dịch vụ thiết yếu dành cho họ. Thứ tư, tăng tiếng nói của phụ nữ thông qua chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và xã hội chăm sóc. Thứ năm là hỗ trợ các cá nhân, tổ chức tạo ra thay đổi vì nữ quyền, vì trên thực tế dù có nhiều nỗ lực đi đầu nhưng các tổ chức vì nữ quyền chỉ nhận được 0,13% hỗ trợ phát triển chính thức.
Hiện LHQ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn tiếp tục phối hợp triển khai sáng kiến dài hạn toàn cầu Spotlight. Sáng kiến sử dụng nguồn quỹ ủy thác nhiều bên liên quan của LHQ tập trung vào việc loại bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tiến tới mục tiêu đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững.
Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phái đẹp. Kể từ khi thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, xếp hạng của Việt Nam trên thế giới về bình đẳng giới tăng từ vị trí 83 lên 72 trên tổng số 146 quốc gia. Trưởng Đại diện của Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam, bà Caroline T. Nyamayemombe đã nêu bật 4 thành tựu lớn của Việt Nam trong thúc đẩy bình đẳng giới. Thứ nhất là tiếp tục củng cố chính sách và pháp luật về bình đẳng giới (như sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, ban hành Kế hoạch Hành động quốc gia về phụ nữ, hòa bình và an ninh giai đoạn 2024 - 2030). Thứ hai là sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV là hơn 30%, cao hơn trung bình toàn cầu (25%). Thứ ba là sự tham gia của lực lượng lao động phụ nữ gần bằng với nam giới (72% đối với phụ nữ so với 82% đối với nam giới). Thứ tư, Việt Nam là một trong những nước đi đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình (16% so với tỷ lệ chung khoảng 10%), phấn đấu đến năm 2025 tăng tỷ lệ này lên 20%.
Một thực tế không thể phủ nhận đó là việc đạt được bình đẳng giới của phụ nữ trong mọi khía cạnh đời sống có ý nghĩa hết sức quan trọng cho sự phát triển của một xã hội công bằng, cho việc tạo dựng nền kinh tế thịnh vượng và một hành tinh “khỏe mạnh”. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức cản trở khả năng đóng góp đầy đủ của họ cho xã hội. Giải quyết những thách thức này đòi hỏi nỗ lực phối hợp của các cá nhân, cộng đồng và các chính phủ toàn cầu. Bằng cách làm việc cùng nhau và đầu tư cho "một nửa yêu thương", chúng ta mới có thể tạo ra một thế giới công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.